Thành công từ mô hình hợp tác xã kiểu mới

Thành công từ mô hình hợp tác xã kiểu mới
Hướng đi mới của mô hình hợp tác xã 

Hợp tác xã Sinh Dược được thành lập năm 2014 từ tiền thân là Tổ hợp tác nghiên cứu và sản xuất dược liệu. Với 11 thành viên ban đầu, Hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phẩm dược liệu tiện dụng như tinh dầu sả, hương nhu, quế, bạc hà, trầm, muối ngâm chân và xà phòng thảo dược. Ngoài ra, Hợp tác xã còn kết hợp với nhiều cơ quan, tổ chức nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản. Ông Vũ Trung Đức, Giám đốc Hợp tác xã Sinh Dược cho biết: “Hợp tác xã được thành lập dựa trên việc tận dụng lợi thế có sẵn tại địa phương là nguồn nguyên liệu và nguồn lao động tại địa phương dồi dào, đa phần có những hiểu biết nhất định về các loại cây và vị thuốc nên nắm bắt rất nhanh quy trình chế biến. Hợp tác xã ra đời ngoài phát triển kinh tế địa phương còn có ý nghĩa quan trọng trong kế thừa, bảo tồn và phát triển bền vững nghề thuốc của địa phương”. 

Điểm mới của Hợp tác xã Sinh Dược chính là xây dựng mô hình hoạt động theo hướng liên kết và hình thành các vùng nguyên liệu, chế biến vệ tinh. Hiện nay, Hợp tác xã đang liên kết khai thác nguyên liệu tại các địa phương như Cam Lộ (Quảng Trị), Duy Tiên (Hà Nam), Sapa (Lào Cai), Thạch Hà (Hà Tĩnh) theo hình thức chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ sản xuất chuyên ngành. Không chỉ sản xuất, Hợp tác xã Sinh Dược còn kết hợp với các tổ chức, địa phương khai thác chế biến thảo dược như xây dựng hệ thống sấy dược liệu tại Quảng Trị, Lào Cai với công suất 300 tấn nguyên liệu/năm và ở Ninh Bình lên đến 600 tấn nguyên liệu/năm. Anh Lê Huệ, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị - một trong những thành viên vệ tinh chuyên cung cấp nguyên liệu cho Hợp tác xã Sinh Dược cho biết : “Từ khi liên kết với Hợp tác xã Sinh Dược, chúng tôi luôn được bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm dược liệu. 20 ha nguyên liệu của chúng tôi luôn được đảm bảo tiêu thụ ổn định, tạo điều kiện mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu giúp hỗ trợ người lao động ở địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều” . 
 
Công nhân đóng bao bì các sản phẩm dược liệu tại cơ sở sản xuất xã Gia Sinh. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN
Công nhân đóng bao bì các sản phẩm dược liệu tại cơ sở sản xuất xã Gia Sinh. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Với nhiều nỗ lực, hoạt động sản xuất của Hợp tác xã Sinh Dược ngày càng phát triển. Nếu như năm đầu thành lập, hệ thống chiết xuất thảo dược và tinh dầu của Hợp tác xã mới đạt quy mô 300 tấn nguyên liệu, đến năm 2015 đã đạt khoảng 600 tấn nguyên liệu và đến hết quý II năm 2016, Hợp tác xã tiêu thụ 2.000 tấn nguyên liệu. Ước tính doanh thu năm 2015 của Hợp tác xã đạt trên 7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 12 lao động thường xuyên và 50 lao động mùa vụ với mức thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng. Bà Phùng Thị Nhàn (xóm 4, xã Gia Sinh), thành viên Hợp tác xã chia sẻ: "Tham gia hợp tác xã chúng tôi được hưởng rất nhiều quyền lợi từ đầu vào đến đầu ra, được hỗ trợ nguồn giống, vốn, giúp chúng tôi yên tâm lao động, sản xuất". 

Ông Vũ Trung Đức khẳng định Hợp tác xã Sinh Dược sẵn sàng liên kết với các Hợp tác xã khác để chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng thảo dược, nhằm mở rộng vùng nguyên liệu, nâng công suất tiêu thụ lên 10.000 tấn thảo dược/năm, sản xuất thêm các sản phẩm mới như nước giặt, dầu gội, kem đánh răng… từ thảo dược. 

Phát triển và nhân rộng mô hình 

Tốc độ phát triển của Hợp tác xã Sinh Dược rất nhanh với nhiều dự án trồng cây thảo dược. Hợp tác xã đã trồng mới 100 ha hương nhu trắng, húng quế, sả chanh, bạc hà tại xã Mộc Nam (Hà Nam). Đồng thời, trồng mới, bảo tồn 50 ha cây chùa dù, sả chanh, mùi, màng tang, thảo quả tại các xã San Sả Hồ, Lao Chải, Bản Khoang (Lào Cai) và huyện Bình Lư (Lai Châu); 100 ha khuynh diệp, tràm, sả chanh trên địa bàn Cam Lộ, Đakrông (Quảng Trị); 30 ha sả chanh, trầu không, tầm bóp, bồ kết… tại xã Gia Sinh (Ninh Bình) và 30 ha khuynh diệp, tràm tại Thạch Hà (Hà Tĩnh) để chiết xuất tinh dầu. 

Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đến nay Hợp tác xã đã triển khai đầu tư 3 máy chưng cất tinh dầu tại 3 cơ sở chính: Ninh Bình, Lào Cai, Quảng Trị. Sản phẩm do Hợp tác xã làm ra đang được khách hàng tin dùng, ưa chuộng. Hiện nay, Hợp tác xã đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn và có thị trường ổn định tại các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng lớn ở Hà Nội và một số thành phố lớn trong cả nước. 

Khó khăn lớn nhất hiện nay của Hợp tác xã chính là vấn đề thiếu nguồn nguyên liệu, do đó Hợp tác xã có kế hoạch liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và tổ chức liên kết với các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và các vùng lân cận để đảm bảo vùng nguyên liệu, đáp ứng đủ công suất cho các máy chưng cất vận hành, cung ứng kịp thời các đơn hàng lớn trong và ngoài nước. Ông Vũ Trung Đức cho biết, từ nay đến năm 2019, Hợp tác xã đề ra mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu, nâng công suất tiêu thụ thảo dược lên đến 10.000 tấn/năm. Vì vậy, trong thời gian tới, mong muốn lớn nhất của Hợp tác xã chính là được tạo điều kiện và hỗ trợ vay vốn để nâng công suất tiêu thụ nguyên liệu thảo dược. 

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Viễn đánh giá cao hiệu quả của Hợp tác xã Sinh Dược. Hợp tác xã ra đời không chỉ giúp ổn định sản xuất, đầu ra sản phẩm cho các thành viên mà còn tạo việc làm, ổn định thu nhập cho người dân. Từ thành công của hợp tác xã kiểu mới Sinh Dược, Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình Hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả. 

Với việc xây dựng thành công các sản phẩm từ thảo dược trở thành sản phẩm phát triển kinh tế bền vững của địa phương, Hợp tác xã Sinh Dược đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương. Thành công từ xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới Sinh Dược đã tạo ra động lực giúp các mô hình hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả đổi mới phương thức hoạt động nhằm đạt hiệu quả cao.
TTXVN

Có thể bạn quan tâm