Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, để cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai, trong giai đoạn 2021 – 2025, địa phương có kế hoạch chuyển đổi 5.400 ha đất trồng lúa ở những địa bàn sản xuất khó khăn sang các cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong số này sẽ chuyển gần 320 ha đất lúa sang trồng cây hằng năm, chủ yếu là các loại rau màu thực phẩm đang được thị trường ưa chuộng; chuyển trên 3.600 ha đất lúa sang lập vườn trồng các loại cây ăn quả đặc sản hướng đến xuất khẩu. Diện tích còn lại chuyển đổi từ trồng lúa độc canh 3 vụ/năm sang mô hình luân vụ lúa và nuôi trồng thủy sản nước ngọt hoặc luân vụ lúa với ương dưỡng cá giống trên ruộng…
Mục đích nhằm giúp nông dân những địa bàn khó khăn tháo gỡ vướng mắc, tìm giải pháp tối ưu nâng cao hiệu quả từ đất canh tác; khắc phục tình trạng độc canh khiến đất đai bạc màu lại thường xuyên phải đối mặt thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống.
Là huyện nằm trong vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền, huyện Cái Bè quan tâm đến việc phát huy tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cơ cấu cây trồng vật nuôi, phá thế độc canh cây lúa, nâng cao hiệu quả sản xuất và giúp nông nghiệp – nông thôn – nông dân đi lên gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để giúp nông dân chuyển đổi sản xuất thành công, ngành nông nghiệp chú trọng khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng và triển khai các dự án chuyển đổi sản xuất gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng, nhân rộng mô hình nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi hiệu quả để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống; phát triển những cây trồng mới cho hiệu quả cao như: sầu riêng, mít Thái siêu sớm…; nhân rộng mô hình kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác làm hạt nhân liên kết sản xuất, tiêu thụ theo mô hình chuỗi giá trị…
Hiện nhiều mô hình, dự án đang được triển khai mạnh mẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và thúc đẩy chuyển đổi sản xuất tại đia phương như: thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trên cây vú sữa ở 2 xã Mỹ Lương và Mỹ Lợi A; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp nhà màng trong canh tác dưa lưới tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang…
Giai đoạn 2016 – 2020, huyện Cái Bè đã chuyển đổi trên 7.000 ha đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả đặc sản, trồng rau màu, kết hợp thâm canh lúa với nuôi trồng thủy sản hoặc chuyển hẳn từ trồng lúa sang sản xuất cá giống… Các mô hình chuyển đổi như chuyên canh màu, luân canh lúa và màu, luân vụ lúa với cá, trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản… đều mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa độc canh trước đây, giúp cải thiện thu nhập của nông dân. Đặc biệt, vườn trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản mít Thái siêu sớm, sầu riêng… ở vùng kiểm soát lũ đầu nguồn của huyện Cái Bè mang lại lợi nhuận đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Đây chính là nhân tố giúp các xã vùng nông thôn sâu như Mỹ Lợi B, Mỹ Lợi A, An Cư, Mỹ Hội, Tân Hưng, Tân Thanh… của huyện Cái Bè sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và ra mắt xã nông thôn mới, hướng tới mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Minh Trí