Nông dân Tiền Giang xây dựng vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu ​

Chăm sóc thanh long tại nhà vườn ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Ảnh: TTXVN
Chăm sóc thanh long tại nhà vườn ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Ảnh: TTXVN

Bí thư Huyện ủy Chợ Gạo (Tiền Giang) Ngô Hữu Thệ cho biết, cụ thể hóa việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, địa phương đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu 7.415 ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang, hàng năm đạt sản lượng 188.000 tấn quả cung ứng thị trường.

Để nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, khẳng định thương hiệu thanh long Chợ Gạo, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu, huyện tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, khuyến khích bà con trồng thanh long theo ngưỡng an toàn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi sinh môi trường.

Huyện Chợ Gạo tranh thủ sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, các cấp, ngành … mỗi năm mở hàng trăm lớp chuyển giao về thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho hàng chục ngàn lượt nông dân. Nhờ đó, bà con nắm vững kỹ thuật canh tác và ứng dụng tốt, hiệu quả vào quá trình sản xuất; thay đổi tư duy, nâng cao trình độ canh tác, gắn kết thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây trồng đặc sản.

Riêng năm 2020, địa phương đã thực hiện chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc cho 1.118 ha thanh long tại 14 xã vùng trọng điểm về chuyên canh thanh long trong huyện. Đến nay, Chợ Gạo có 2.184 ha thanh long đạt chứng nhận VietGAP, tăng 9,2% so chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 và đạt 29,5% tổng diện tích vùng trồng.

Từ thành quả đạt được, trong năm 2021, huyện Chợ Gạo tiếp tục thực hiện những biện pháp tích cực phát triển, nâng chất vùng chuyên canh, tạo thêm những nông sản hàng hóa chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, tăng cường công tác chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP trên cây trồng đặc sản, một mặt phát triển kinh tế hợp tác, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên canh thanh long. Huyện hỗ trợ các xã vùng trọng điểm triển khai các đề án liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân Tiền Giang xây dựng vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu ​ ảnh 1Chăm sóc thanh long tại nhà vườn ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Ảnh: TTXVN

Cũng trong năm 2021, huyện Chợ Gạo sẽ tổ chức 60 lớp tập huấn sản xuất theo tiêu chí VietGAP, thu hút khoảng 1.800 nông dân vùng chuyên canh. Địa phương phấn đấu mở rộng diện tích vùng chuyên canh thanh long lên 7.500 ha; trong đó có thêm 500 ha đạt chứng nhận VietGAP, nâng tổng diện tích thanh long đạt chứng nhận VietGAP lên 2.684 ha vào cuối năm 2021.

Nông dân Dương Thanh Tám, ở xã Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo) canh tác 0,9 ha thanh long ruột đỏ theo tiêu chí VietGAP chia sẻ: Áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chí VietGAP, bà con cần chú ý ghi chép nhật ký sản xuất, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép, đảm bảo thời gian cách ly, chỉ sử dụng rộng rãi các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép, nhất là thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, phân bón hữu cơ… Với 0,9 ha (9.000 m2) trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chí VietGAP, mỗi năm, gia đình ông thu lãi ròng gần 600 triệu đồng. Nhờ thu nhập cao từ cây thanh long VietGAP, gia đình ông đã thoát nghèo, trở thành điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo.

Làm giàu từ mô hình trồng thanh long theo tiêu chí GAP cũng là hướng đi nhiều nông dân địa phương lựa chọn, trong đó có ông Lê Văn Thủy, cư ngụ tại xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo. Ông Thủy cho biết, trước đây, gia đình có 1 ha đất trồng lúa năng suất bấp bênh, thu nhập thấp. Hưởng ứng chủ trương nhà nước, ông chuyển đổi sang trồng thanh long theo tiêu chí GlobalGAP và gia nhập Hợp tác xã Thanh long Mỹ Tịnh An.

Cùng với áp dụng quy trình GlobalGAP trong thâm canh, ông còn ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào quá trình canh tác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đơn cử như trồng thanh long theo mô hình leo giàn thay cho phương pháp trồng bằng trụ bê tông truyền thống trước đây cho năng suất cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước, áp dụng kỹ thuật xông đèn cho trái rải vụ… Với 1 ha thanh long GlobalGAP, trừ chi phí, ông còn lãi gần 1 tỷ đồng/năm, cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa năng suất cao trước đây. Ông Lê Văn Thủy khẳng định, trồng thanh long sạch theo tiêu chí VietGAP gắn với các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản là con đường tất yếu hiện nay mà nông dân vùng chuyên canh thanh long phải áp dụng nếu muốn hội nhập và phát triển bền vững.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm