Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Không để dịch động vật bùng phát rồi theo dập

Sáng 17/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2024.

vna_potal_trien_khai_cac_giai_phap_phong_chong_dich_benh_gia_suc_gia_cam_7434564.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Bích Hồng - TTXVN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan truyên môn của địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đặc biệt là khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng vaccine phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm; không để dịch bệnh bùng phát rồi chạy theo dập.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, địa phương phải tập trung phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm một cách thường xuyên liên tục. Buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, nhất là giống vật nuôi đã thay đổi, hoạt động buôn lậu rất ngang nhiên, chở với số lượng rất lớn lên các tỉnh biên giới.

Con giống nhập lậu chính là nguyên nhân gây ra các loại dịch bệnh như: dịch cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi… từ nước ngoài vào Việt Nam, gây thiệt hại rất lớn. Chi cục Thú y các địa phương phải là nòng cốt để phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và quản lý thị trường kiểm soát vận chuyển, mua bán giống gia cầm nhập lậu. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các tỉnh thành không thể đứng ngoài cuộc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

vna_potal_trien_khai_cac_giai_phap_phong_chong_dich_benh_gia_suc_gia_cam_7434571.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Bích Hồng – TTXVN

Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp, số ổ dịch và số gia súc mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng gia tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Điển hình là: bệnh dịch tả lợn châu Phi số ổ dịch tăng 2,4 lần; số ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) tăng 2,1 lần;đặc biệt đã có 1 người chết vì nhiễm virus cúm giá cầm A/H5N1 và 1 người nhiễm virus cúm gia cầm A/H9N2; 44 người tử vong (tăng 30%) do bệnh dại tại 23 tỉnh, thành phố (tỉnh Bình Thuận (7 ca), Đắk Lắk (5 ca)) và ghi nhận 96.561 trường hợp người bị chó, mèo mắc dại, nghi dại cắn, cào phải điều trị dự phòng.

Về bệnh dịch tả lợn châu Phi, đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra 468 ổ dịch tại 41 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 22.011 con lợn; trong đó, dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất tại một số tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ninh. Hiện nay, cả nước có 247 ổ dịch thuộc 68 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch tăng 2,4 lần, số lợn phải tiêu hủy tại các ổ dịch tăng 93,7%.

Theo ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao vì giá lợn tăng cao nên người chăn nuôi có xu hướng tái đàn ồ ạt, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ trước đây đã bị dịch.

Mặc dù đã có vaccine phòng bệnh cho lợn thịt, nhưng việc quan tâm, sử dụng còn hạn chế. Một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh. Việc tổ chức chống dịch theo quy định còn chưa đồng bộ, chưa bố trí đầy đủ kinh phí cho phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, chủ gia súc chưa thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y tối thiểu trong phòng, chống dịch bệnh; chính quyền cơ sở chưa giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định. Việc tổ chức chống dịch, xử lý, tiêu hủy lợn bệnh gặp rất nhiều khó khăn do không có đủ lực lượng thú y, thiếu kinh phí mua hóa chất, vôi bột, thuê phương tiện, không có đủ kinh phí cho người tham gia xử lý lợn bệnh,... Cùng với đó, việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn, kiểm soát giết mổ lợn ở các địa phương còn chưa được chặt chẽ.

Về cúm gia cầm, từ đầu năm 2024 đến này, cả nước đã xảy ra 7 ổ dịch cúm A/H5N1 tại 7 huyện của 7 tỉnh. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 12.424 con. So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch giảm 36,36%, số gia cầm chết, tiêu hủy giảm hơn 9,89%. Hiện nay, cả nước không có ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 chưa qua 21 ngày.

Đến nay, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt bệnh cúm gia cầm. Chỉ xảy ra một số ổ dịch cúm gia cầm tại các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vaccine cúm.Tuy nhiên, các địa phương đã chủ động phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng, không gây thành dịch.

vna_potal_trien_khai_cac_giai_phap_phong_chong_dich_benh_gia_suc_gia_cam_7434569.jpg
Ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, thông tin về các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm tại địa phương. Ảnh: Bích Hồng – TTXVN

Về bệnh dại trên động vật, từ đầu năm đến nay có 146 ổ dịch bệnh dại tại 34 tỉnh, thành phố, tổng số chó, mèo tiêu huỷ là 395 con. Hiện nay, có 19 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 10 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. So sánh với cùng kỳ năm 2023 số ổ dịch dại trên động vật tăng 24,24% lần.

Về bệnh lở mồm long móng, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước phát sinh 44 ổ dịch lở mồm long móng tuýp O tại 25 huyện của 13 tỉnh. Số gia súc mắc bệnh là 1.421 con, số gia súc tiêu hủy là 123 con; số ổ dịch tăng 2,09 lần, số gia súc mắc bệnh tăng 2,18 lần. Hiện nay, cả nước có 3 ổ dịch bệnh lở mồm long móng tại 2 tỉnh Yên Bái và Gia Lai chưa qua 21 ngày.

Theo ông Phan Quang Minh, Cục Thú y phối hợp địa phương theo dõi tình hình dịch bệnh, nhất là các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu phi, dại... Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện 5 chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật động vật trên cạn.

Cùng với đó là giám sát chủ động sự lưu hành và biến đổi của virus cúm gia cầm tại chợ buôn bán gia cầm sống, gia cầm nhập lậu; giám sát lưu hành và giám sát sau tiêm phòng đối với bệnh lở mồm long móng; xác định hiệu lực các loại vaccine phù hợp. Xây dựng bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm để làm căn cứ chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; tăng cường năng lực xét nghiệm.

Các đơn vị chuyên môn, địa phương cần hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh bằng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh.

Địa phương chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh động vật nguy hiểm nêu trên để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch mới phát sinh, ưu tiên sử dụng nguồn lực tại chỗ của địa phương trong xử lý ổ dịch.

Các địa phương tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đặc biệt các chuỗi, các vùng cần an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) để phục vụ xuất khẩu.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm