Điện Biên nỗ lực kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi

Từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi liên tục xảy ra tại nhiều thôn, bản của 9 xã thuộc 5 huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Chính quyền các địa phương, các ngành chức năng của tỉnh đang nỗ lực kiểm soát, khoanh vùng dập dịch, tuyên truyền kiến thức phòng chống dịch… nhằm giảm bớt thiệt hại cho người dân.

vna_potal_dien_bien_no_luc_kiem_soat_benh_dich_ta_lon_chau_phi__7411810.jpg
Người dân xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, rắc vôi bột khử trùng chuồng trại chăn nuôi lợn. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Hơn một tháng nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại 5 xã thuộc khu vực lòng chảo huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên gồm: Thanh Luông, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Xương, Thanh Yên làm chết hơn 120 con lợn, tổng trọng lượng tiêu hủy khoảng 7,4 tấn. Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế từ chăn nuôi lợn đang trên đà hồi phục của địa bàn lòng chảo này.

Chị Nguyễn Thị Nhạn, thôn Thanh Bình A, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên cho biết, gia đình bị chết 10 con lợn; trong đó, có 8 con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng, mỗi con khoảng 90 kg và 2 con lợn nái đang sắp đẻ. Tổng thiệt hại hơn 60 triệu đồng.

Ngay sau khi xuất hiện lợn chết vào ngày 20/4, gia đình đã báo với chính quyền xã để tiến hành xác minh, kiểm đếm và tiêu hủy theo quy định, đồng thời tách những con lợn còn khỏe và mua vaccine tiêm phòng.

“Khi phát hiện có lợn ốm, gia đình tôi đã báo chính quyền ngay và được cán bộ thú y xã hướng dẫn mua vaccine về tiêm phòng, nên những những con còn lại không việc gì. Đồng thời gia đình vệ sinh chuồng trại mỗi ngày 2 lần và tiến hành rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng để tránh lây lan…”, chị Nhạn chia sẻ thêm.

vna_potal_dien_bien_no_luc_kiem_soat_benh_dich_ta_lon_chau_phi__7411795.jpg
Chị Nguyễn Thị Nhạn (trái), thôn Thanh Bình A, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, vệ sinh chuồng trại để phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Thanh Luông là xã phát hiện hộ chăn nuôi đầu tiên có lợn chết vì bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Điện Biên và cũng là xã bị thiệt hại nặng nhất trong đợt dịch này với tỷ lệ lợn chết, trọng lượng tiêu hủy chiếm gần 70% trọng lượng tiêu hủy của toàn tỉnh.

Ông Tòng Văn Suôn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Luông cho biết, đến hết ngày 31/5, toàn xã có 10/18 thôn bản phát hiện có lợn chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi và đã phải tiêu hủy khoảng 4,7 tấn lợn chết, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, tránh lan diện rộng, thời điểm này, chính quyền xã đang tập trung chỉ đạo quyết liệt cán bộ chuyên môn và các hộ chăn nuôi triển khai phun tiêu độc khử trùng khi bệnh, dịch còn trong diện hẹp.

Cũng theo ông Suôn, nếu có lợn chết vì dịch, xã sẽ tổ chức tiêu hủy ngay theo quy định của pháp luật. Đồng thời khuyến cáo người dân trong thời gian đang có dịch sẽ hạn chế tái đàn và tuyên truyền cho bà con nhân dân tăng cường vệ sinh môi trường bằng hình thức dùng vôi bột khử trùng chuồng trại thường xuyên. Gia đình nào có điều kiện sẽ mua thuốc khử trùng, tiêu độc để phun một tuần hai lần cho đảm bảo an toàn.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Điện Biên cho biết, hiện nay địa phương đã cơ bản kiểm soát được tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn 5 xã của huyện. Các ổ dịch bùng phát chủ yếu là các ổ dịch cũ, nhỏ lẻ từ năm trước để lại, chưa phát sinh ổ dịch mới trong năm nay.

Ngoài sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của cấp ủy, chính quyền địa phương thì giải pháp hiệu quả trong phòng chống dịch đó là tiêm vaccine phòng ngừa. Tuy nhiên, hiện giá vaccine vẫn còn tương đối cao và chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân. Cùng với đó, phổ tiêm hiệu lực của vaccine chỉ đang áp dụng với lợn từ 4-10 tuần tuổi, không được tiêm cho lợn nái, lợn con ít ngày tuổi và lợn đực giống, do đó hiệu quả trong phòng chống dịch cũng bị hạn chế.

Từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên địa bàn 9 xã thuộc 5 huyện, thị của tỉnh Điện Biên gồm: Mường Nhé, thị xã Mường Lay, Mường Chà, Tủa Chùa và Điện Biên. Tổng số gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy là hơn 170 con, tổng trọng lượng khoảng 10,5 tấn.

Theo ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên, so với các năm từ 2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đã có dấu hiệu suy giảm hơn về số lượng ổ dịch, số lượng và trọng lượng gia súc chết phải tiêu hủy. Tuy nhiên, địa phương vẫn xác định còn ổ dịch tức là tình hình dịch bệnh sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên đang tiếp tục tập trung tổ chức phối hợp với chính quyền các địa phương ngăn chặn, dập dịch hiệu quả, hạn chế để lây lan trên diện rộng. Đồng thời nghiên cứu phương án công bố dịch ở phạm vi cấp xã, thôn bản để hạn chế thiệt hại đối với người chăn nuôi nói riêng và ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn toàn tỉnh.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, nỗ lực của các địa phương, đến nay dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn nằm trong vòng kiểm soát. Tuy nhiên, với những khó khăn thực tế từ cơ sở, nhất là trong vấn đề vaccine phòng bệnh, thì rất cần có sự hỗ trợ chính sách từ Nhà nước để giúp đỡ người dân có điều kiện để phát triển kinh tế từ chăn nuôi lợn.

Trung Kiên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm