Theo kết quả giám sát chủ động dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho thấy tỷ lệ lưu hành các loại mầm bệnh lớn như cúm gia cầm A/H5N1 là 13,39%, bệnh dại là 64,7%, dịch tả lợn châu Phi là 3,45%... Theo đó, nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm là rất lớn.
Tính đến cuối tháng 4/2024, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh Nghệ An đạt tỷ lệ rất thấp (lở mồm long móng trên 10%, cúm gia cầm 2,36%, tụ huyết trùng ở trâu bò trên 10%, chó dại trên 31%...). Đặc biệt còn 6 huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn chưa tổ chức tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi.
Để giảm thiểu các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, bệnh truyền lây giữa động vật và người, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho đàn vật nuôi, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại cơ sở.; đồng thời huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; đặc biệt đối với các địa phương tỷ lệ tiêm phòng còn thấp. Các địa phương tổ chức triển khai tiêm phòng vaccine bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vaccine.
Các địa phương này cũng phải chủ động bố trí kinh phí cho tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh (hỗ trợ mua vaccine vật tư, dụng cụ bảo hộ, tiền công chỉ đạo, tiền công tiêm phòng...). Trong quá trình tiêm phòng, các địa phương cũng cần tiếp tục rà soát thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi, số lượng vật nuôi thuộc diện tiêm phòng đối với từng bệnh để tiêm phòng triệt để; thường xuyên thông tin, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của các dịch bệnh, lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi, các quy định về xử phạt đối với các trường hợp vi phạm.
Đối với những xã chưa quan tâm, chưa chỉ đạo quyết liệt trong tiêm phòng cho vật nuôi để tỷ lệ tiêm phòng vaccine thấp, các Chủ tịch UBND cấp xã này sẽ bị nhắc nhở, phê bình. Đặc biệt địa phương nào để dịch bệnh dại, cúm gia cầm xảy ra, lây lan, có người tử vong do chó mắc bệnh dại cắn hoặc do nhiễm vi rút cúm gia cầm khi đàn chó, gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin thì Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 4 ổ bệnh dại tại 3 huyện, có 1 người tử vong do bệnh dại; bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra 79 ổ tại 20 huyện thành thị, tiêu hủy 1.850 con lợn; bệnh lở mồm long móng xảy ra 1 ổ, số gia súc mắc bệnh 27 con trong đó số gia súc chết tiêu hủy 9 con...
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Trị, trước nguy cơ cao lây lan bệnh dại, tỉnh đang khẩn trương thực hiện các giải pháp để phòng, chống bệnh này.
Đầu tháng 4/2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị đã lấy mẫu giám sát đối với một con chó nghi mắc bệnh dại ở thôn Phường Duyệt, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh. Con chó này đã chết sau khi cắn một người dân tại địa phương. Kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng khẳng định, con chó dương tính với virus dại. Ngay khi phát hiện vụ việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã đề nghị huyện Vĩnh Linh tập trung triển khai đồng bộ quyết liệt giải pháp phòng, chống bệnh dại tại xã Vĩnh Tú không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng và không để có người tử vong vì bệnh dại.
Hiện nay tại nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Trị, tình trạng chó thả rông và không đeo rọ mõm ra đường diễn ra phổ biến. Đơn cử như trên các tuyến đường Hàm Nghi, Trường Chinh, Lý Thường Kiệt… ở thành phố Đông Hà, chó nuôi của nhiều hộ dân thả đi ra đường mà không đeo rọ mõm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo so với tổng đàn còn thấp tập trung chủ yếu ở hai huyện Đakrông và Hướng Hóa, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn và gây bệnh trên người trong thời gian đến là rất cao.
Ngày 7/5, UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương tập trung tổ chức tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi; trong đó, cơ quan này yêu cầu, khẩn trương rà soát tổng đàn chỉ đạo tiêm phòng bổ sung vaccine dại cho đàn chó, mèo đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn và 100% trong diện tiêm; tăng cường thông tin tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm phòng, mối nguy hại của việc không tiêm phòng để xảy ra dịch bệnh và các quy định về xử phạt đối với trường hợp vi phạm, để người dân tích cực tham gia tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo theo thông báo của chính quyền địa phương.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo, bệnh dại lây truyền từ động vật sang người. Bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy người bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn nếu không đi tiêm phòng vaccine sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo hướng dẫn của cơ quan y tế thì nguy cơ tử vong rất cao.
Trịnh Duy Hưng - Nguyên Lý