Bình Phước xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Tỉnh Bình Phước đang phấn đấu đến năm 2025 triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với gia cầm tại 2 huyện, thị xã: Chơn Thành và Hớn Quản; tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại.

Giai đoạn 2026 – 2030 tiếp tục củng cố, hoàn thiện, duy trì thị xã Chơn Thành và huyện Hớn Quản đã được công nhận vùng an toàn dịch bệnh giai đoạn 2023 – 2025 và xây dựng 9 huyện, thị xã, thành phố còn lại là Đồng Phú, Đồng Xoài, Phú Riềng, Bù Đăng, Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Phước Long, Bình Long là vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc.

Đối với gia súc, gia cầm, đến năm 2030, Bình Phước xây dựng thành công 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Niu-cat-xon trên gà, bệnh lở mồm long móng trên gia súc và bệnh dịch tả lợn cổ điển trên lợn theo tiêu chuẩn Việt Nam; trong đó có 6 huyện thành phố là Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành, Bù Đăng, Hớn Quản, Phú Riềng đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn OIE.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND tỉnh đặt ra 5 nhiệm vụ và giải pháp. Cụ thể, chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng bệnh (phòng bệnh bằng vắc-xin; giám sát dịch bệnh động vật; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi); quản lý vận chuyển, kiểm soát giết mổ và giám sát an toàn thực phẩm; ứng phó khi có dịch bệnh, phát hiện tác nhân gây bệnh; xây dựng hệ thống và công tác thú y trong vùng an toàn dịch bệnh; xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ trong quản lý vùng an toàn dịch bệnh.

Địa phương tăng cường tổ chức triển khai các quy định về quản lý chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi, tổ chức quản lý, rà soát, thống kê và báo cáo tình hình chăn nuôi gia súc theo quy định, nhất là quản lý hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ; xây dựng, cấp mã số cho trại chăn nuôi gia súc phục vụ cho quản lý và truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước yêu cầu các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất chăn nuôi theo quy định của pháp luật và chấp hành các quy định trong vùng an toàn dịch bệnh; tích cực tham gia cùng các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn để xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, chủ động và tích cực thực hiện các giải pháp về phòng, chống và giám sát dịch bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn của Trung ương và địa phương nơi xây dựng chuỗi an toàn dịch bệnh. Đồng thời hỗ trợ tối đa trong điều kiện cho phép và bảo đảm lợi ích chung của doanh nghiệp và người dân địa phương trong phòng, chống và giám sát dịch bệnh.

Theo nhận định của các chuyên gia về thị trường thế giới, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia về thịt bò giảm, thay vào đó, thịt heo, gà sẽ tăng mạnh, đặc biệt, Bình Phước có cơ hội tăng xuất khẩu thịt ức gà vào thị trường Châu Âu (EU). Trên địa bàn tỉnh đang hình thành các chuỗi liên kết khép kín, công nghệ cao. Các sản phẩm sơ chế, chế biến từ thịt lợn, gà để xuất khẩu đang là ngành có nhiều triển vọng trong việc đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và đang được định hướng là một trong ba nhóm sản phẩm trụ cột đóng góp chung vào tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh cũng nhận định, trong những năm qua, cùng với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và định hướng phát triển chăn nuôi đúng đắn, ngành chăn nuôi của tỉnh Bình Phước đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng lẫn chất lượng, trở thành ngành sản xuất hàng hóa và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Tỉnh đã thu hút nhiều công ty, tập đoàn chăn nuôi lớn đến đầu tư và tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn và gà.

Việc xây dựng các trang trại, cơ sở chăn nuôi công nghệ cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức quản lý hiện đại đã giúp ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển mạnh theo hướng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, đảm bảo môi trường và bước đầu hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Từ đó, giúp khống chế và kiểm soát tốt hơn các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm; nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Tại Bình Phước, để phát triển chăn nuôi một cách bền vững, cung cấp những sản phẩm chất lượng, an toàn và phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả thì việc xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo các tiêu chuẩn, quy định trong nước và quốc tế là điều hết sức cần thiết. Do đó, việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh là giải pháp phù hợp, là hành lang pháp lý để các doanh nghiệp chăn nuôi phát triển bền vững, cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn cho thị trường trong nước và đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Đây cũng chính là định phướng phát triển chăn nuôi của Chính phủ và của tỉnh.

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm