Trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi công nghiệp hiện đại và giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo đó, nhiều trang trại chăn nuôi lợn đã chuyển hướng ứng dụng công nghệ chuồng trại khép kín, liên kết chăn nuôi nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tăng khả năng cạnh tranh, tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn.
Hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh khoảng 2 triệu con, trong đó, 80% trang trại quy mô lớn, 66% trang trại công nghệ cao. Các trang trại trước khi được cấp phép chăn nuôi đều được đánh giá tác động môi trường, đảm bảo có hầm chứa và xử lý nước thải.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Trần Văn Phương, thời gian qua tỉnh đã ban hành các chính sách thu hút đầu tư phát triển, có lĩnh vực chăn nuôi. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các cơ sở hạ tầng như: đường điện đến các khu chăn nuôi; hỗ trợ nhanh chóng trong các thủ tục đầu tư, kịp thời đối thoại với các doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên tinh thần vì doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo dịch bệnh, ổn định yên tâm đầu tư chăn nuôi; tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.
Điển hình trang trại lợn của ông Nguyễn Thành Viễn tại ấp 5, xã Minh Lập (thị xã Chơn Thành) với quy mô trên 6.000 con lợn thương phẩm luôn tuân thủ quy định vận hành chăn nuôi khép kín. Ông Nguyễn Thành Viễn cho biết, bắt đầu xây chuồng khép kín nuôi lợn từ năm 2016. Ban đầu, gia đình đầu tư một dãy chuồng tương đương 2.000 con, sau quá trình nuôi, trang trại nhận được sự hợp tác của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam Chi nhánh Bình Phước nên mở rộng thêm được 3 dãy chuồng.
Theo ông Viễn, quy trình xây dựng trang trại của công ty phải có những hố vôi, nhà lưới để đảm bảo an toàn dịch bệnh, hố vôi được làm nơi đầu đường, cửa chuồng trại, trong chuồng. Tất cả hệ thống ăn cho đàn lợn đều tự động, kho chứa thức ăn phải diệt khuẩn bằng tia cực tím… Qua đó, mô hình nuôi khép kín công nghiệp đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Đặc biệt, hầm biogas cùng hệ thống ống dẫn gas hiện đại đưa từng luồng khí gas vào máy chuyển đổi từ chất thải lợn thành điện phục vụ sản xuất cho một phần trang trại. Theo ông Viễn, ban đầu chăn nuôi thủ công, quy mô nhỏ nên hiệu quả không cao.
Khu vực nuôi xa khu dân cư nên thiếu điện sản xuất khi trang trại áp dụng chăn nuôi công nghệ cao, tuần hoàn khép kín. Vào thời điểm thiếu điện khi cúp thì hệ thống quạt, hệ thống làm mát, hệ thống cho ăn, uống tự động đều đình trệ nên ảnh hưởng lớn quá trình sinh trưởng của đàn lợn.
Sau năm 2016, trang trại ông Nguyễn Thành Viễn liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam Chi nhánh Bình Phước, một đơn vị liên kết với người nông dân nuôi theo hình thức gia công.
“Sau thời gian tìm hiểu nuôi theo hình thức gia công, tôi đã quyết định đầu tư chăn nuôi khép kín, đầu tư vốn lắp đặt lại hệ thống hầm xử lý chất thải lợn và tạo khí biogas. Theo đó, hoạt động chăn nuôi hầu hết từ động hóa. Đặc biệt, tôi đầu tư mua máy phát điện bằng khí gas, xây dựng hệ thống dẫn chất thải từ đàn lợn và lắp đặt hệ thống dẫn khí lớn hơn để tạo ra điện”, ông Viễn chia sẻ.
Từ khi lắp đặt hệ thống máy phát điện chạy bằng khí biogas, toàn bộ nguồn khí sản sinh được trong quá trình xử lý chất thải từ chăn nuôi lợn đã được ông Viễn tận dụng triệt để không gây ô nhiễm môi trường và giảm 30% tiền điện so với lúc trước chưa có hệ thống biogas.
Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam Chi nhánh Bình Phước Tạ Thế Thôi cho biết, thông điệp của lãnh đạo của công ty là trước khi xây dựng hoặc là liên kết với công ty thì đối tác phải thực hiện đầy đủ tiêu chí theo tiêu chuẩn của nhà nước.
Sau đó, theo tiêu chuẩn của công ty, khi liên kết thì đối tác sẽ được hưởng lợi. Xây dựng chuồng trại theo tiêu chí của công ty đưa ra và đảm bảo vấn đề tác động môi trường, bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh… Thuốc, thức ăn, con giống công ty sẽ đưa xuống tận trang trại và hỗ trợ cho kỹ thuật sẽ trực tiếp với trang trại chăn nuôi, khi lợn đạt được trọng lượng thì công ty sẽ hỗ trợ về vấn đề xuất bán đầu ra, chuyển về kho trung tâm để mà mà xuất bán.
Năm 2020, tổng đàn lợn tại tỉnh Bình Phước chỉ khoảng 1 triệu con, nhưng đến nay đã tăng gấp đôi. Đặc biệt, hầu hết lợn được nuôi trong các trại lạnh, tuần hoàn khép kín, an toàn sinh học và đảm bảo tuyệt đối an toàn dịch bệnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Trần Văn Phương cho biết, thời gian qua địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời những cơ sở chăn nuôi không đảm bảo điều kiện chăn nuôi, không tuân thủ cam kết về môi trường, gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong cộng đồng, phát hiện, tố giác các hành vi xả thải trái phép trong chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường đến cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Chủ dự án phải tổ chức vận hành, bảo trì, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, nước thải trong quá trình hoạt động, khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ mới trong xử lý thải...
Đến năm 2025, tỉnh Bình Phước định hướng phát triển chăn nuôi đặt mục tiêu tổng đàn chăn nuôi lợn trên 2,7 triệu con và năm 2030 trên 3,2 triệu con.
K GỬIH