Ngày 25/10 tại tỉnh Bình Phước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, với sự tham dự của đại diện một số tỉnh thành và doanh nghiệp chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Long, quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong năm 2021 và từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn cả nước không có báo cáo ổ dịch tai xanh mới phát sinh tại các địa phương.
Trong khi đó, một số loại dịch bệnh khác trên gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tái phát và phát sinh rất cao. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước phát sinh 1.132 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 51 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 51.729 con lợn. Hiện nay cả nước vẫn còn 53 ổ dịch tại 53 huyện của 18 tỉnh chưa qua 21 ngày.
Đối với dịch lở mồm long móng trên gia súc, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 13 ổ dịch tại 9 huyện của 7 tỉnh, thành. Hiện nay, còn có 4 ổ dịch lở mồm long móng tại tỉnh Hà Tĩnh và Gia Lai chưa qua 21 ngày.
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã ghi nhận 238 ổ dịch tại 57 huyện của 16 tỉnh, thành, hiện cả nước còn 5 ổ dịch tại tỉnh Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Tiền Giang và Bến Tre chưa qua 21 ngày.
Đối với dịch cúm gia cầm, từ đầu năm 2022 đến nay, phát sinh 34 ổ dịch tại 19 tỉnh, thành phố. Đến thời điểm hiện nay còn ghi nhận 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Nghệ An chưa qua 21 ngày.
Đặc biệt, ngày 5/10 Bộ Y tế thông báo ghi nhận 1 trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ. “Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Thú y đã cử lãnh đạo và cán bộ dịch tễ của Chi cục Thú y vùng I đến tỉnh Phú Thọ để phối hợp với các cơ quan thú y địa phương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tổ chức điều tra, lấy mẫu xét nghiệm đàn gia cầm và môi trường. Kết quả xác định chưa phát hiện được virus cúm gia cầm trên đàn gia cầm và chưa có dịch bệnh cúm giá cầm tại địa phương. Đồng thời, Cục Thú y đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện số 7061/CĐ-BNN-TY ngày 21/10/2022 chỉ đạo các địa phương trên phạm vi cả nước tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm” – ông Nguyễn Văn Long cho biết.
Theo Cục Chăn nuôi, từ năm 2016 đến nay, cả nước đã xây dựng được 2.394 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành phố. Trong số đó, có 1.241 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh trên gia súc tại 40 tỉnh thành phố; 917 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh trên gia cầm tại 40 tỉnh, thành phố; cùng một số cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh dại.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, việc xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm ngành chăn nuôi.
Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 – 2030”, trong đó có hợp phần 1 về “Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2022 – 2030”.
Giai đoạn này, sẽ xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) tại vùng Đông Nam Bộ. Từ đó, nhân rộng mô hình, vận dụng xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương khác trên phạm vi cả nước; tạo điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tăng nhanh xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật; tạo việc làm, tăng thu nhập cho hơn 20 triệu người tham gia chuỗi sản xuất chăn nuôi, giết mổ, chế biến, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.
Tại Hội nhị, Cục Thú y cũng lưu ý các địa phương, doanh nghiệp việc các nước nhập khẩu chỉ chấp nhận lợn, sản phẩm từ lợn có nguồn gốc từ quốc gia, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE; không chấp nhận từ cơ sở an toàn dịch bệnh. Do đó, việc chứng minh vùng nuôi lợn an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE là rất khó, cần nhiều nguồn lực, đặc biệt cần ưu tiên vùng đất rộng lớn (từ 500 ha trở lên), tách biệt về mặt địa lý và có khoảng cách xa (tối thiểu 10 km) với các vùng chăn nuôi lợn mật độ cao.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số địa phương như Bình Phước, Tây Ninh nêu khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh xâm nhập từ biên giới vào. Trong khi quy định về kiểm dịch nội tỉnh, hướng dẫn về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại biên giới chưa đầy đủ, gây khó khăn trong việc xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng việc xây dựng những vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại địa bàn biên giới gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương có đường biên giới dài, nhiều đường mòn, lối mở, đây là nguy cơ khiến dịch dễ lây lan. Ông Chiến cho rằng cần có quy chế, quy định và hướng dẫn cụ thể về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại biên giới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh chăn nuôi an toàn sinh học và xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh là biện pháp phòng chống dịch bệnh từ sớm, từ xa để hướng tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học.
Do đó, các ngành, địa phương phải có các giải pháp, đề án triển khai đồng bộ. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố phải nhận thức đúng về chủ trương, chiến lược, đầu tư đúng mức để xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu nền nông nghiệp.
Sỹ Tuyên