Xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Ngày 28/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị “Xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu”, với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành phố và doanh nghiệp trong cả nước.

Xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu ảnh 1Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến chi đạo tại hội nghị. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các nhóm vấn đề xoay quanh việc tháo gỡ khó khăn, hạn chế cũng như quy định đặc thù trong vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm đối với động vật trong chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh…

Bà Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phướccho rằng, để xây dựng thành công các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật cần có sự đồng thuận, phối hợp và chia sẻ giữa các đơn vị liên quan để có những giải pháp tối ưu. Trong thời gian tới, Bình Phước sẽ xây dựng thành công 6 vùng thuộc các huyện chăn nuôi gia cầm, gia súc được công nhận an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Thú y thế giới.

Đề cập vấn đề này, các địa phương, doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và hỗ trợ xây dựng quy định đặc thù cho vùng an toàn dịch bệnh như: Kiểm soát vận chuyển lưu thông, chăn nuôi, tiêu thụ động vật; cơ chế phối hợp giữa các huyện, tỉnh trong quản lý an toàn dịch bệnh; quy định về vùng đệm giữa các tỉnh và tại khu vực giáp biên giới; tăng cường xúc tiến thương mại, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao…

Xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu ảnh 2Quang cảnh hội nghị. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian qua, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, không vì thế mà các địa phương chủ quan trong phòng, chống dịch. Bởi đến thời điểm cuối năm, nhu cầu sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm tăng cao và dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, ngành chăn nuôi cần hướng đến sản xuất những sản phẩm đủ điều kiện an toàn dịch bệnh. Cụ thể, xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với các chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; trong đó, phải có sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp tại những vùng an toàn dịch bệnh. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi để phát huy hiệu quả cao nhất trong xây dựng và nhân rộng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn trên cả nước thời gian tới.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, để tổ chức xây dựng thành công các cơ sở, chuỗi chăn nuôi khép kín các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vai trò của doanh nghiệp, người chăn nuôi là quan trọng nhất. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương cần tổ chức rà soát, điều chỉnh và bổ sung hoàn thiện tạo chuỗi liên kết phát triển chăn nuôi an toàn bền vững phục vụ xuất khẩu.

Trong năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo đại diện Cục Thú y, đến ngày 25/4/2021, kết quả tổ chức xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, cả nước có trên 2.285 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh bao gồm: một vùng cấp tỉnh, 30 vùng cấp huyện, 131 cơ sở cấp xã và 2.122 cơ sở, trang trại, hợp tác xã chăn nuôi tại 54 tỉnh, thành phố.

Đối với việc tổ chức xây dựng cơ sở, chuỗi an toàn dịch bệnh, tính đến ngày 25/4/2021, đối với gia cầm, cả nước có trên 974 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; 68 cơ sở cấp xã và 983 hộ, trang trại chăn nuôi tại 36 tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi an toàn dịch bệnh trong xuất khẩu còn khá nhiều tồn tại như: Tình trạng chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung, gây nguy cơ xảy ra dịch bệnh; tiêm phòng vắc xin cho chăn nuôi gia cầm nông hộ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán, không có chuồng trại.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm