Bình Phước xây dựng 11 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Bình Phước xây dựng 11 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với gia súc theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi gia súc bền vững, chăn nuôi gia súc theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bình Phước xây dựng 11 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh ảnh 1Chủ động phòng dịch bệnh đã giúp gia đình anh Lê Xuân Thuận, phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành (Bình Phước) tăng hiệu quả trong chăn nuôi. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Đây là yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đối với 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tại kế hoạch phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Bình Phước vừa được ban hành.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương xây dựng 11 vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng và bệnh tả lợn cổ điển theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Trong số đó, giai đoạn 2023-2025 triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc tại thị xã Chơn Thành và huyện Hớn Quản. Giai đoạn 2026-2030 tiếp tục củng cố, hoàn thiện, duy trì vùng an toàn dịch bệnh tại thị xã Chơn Thành và huyện Hớn Quản và tiếp tục xây dựng tại 9 huyện, thị xã, thành phố còn lại. Đến năm 2030 xây dựng 6 vùng an toàn dịch bệnh tại huyện Đồng Phú, thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Bù Đăng, Hớn Quản, Phú Riềng đạt vùng vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn OIE.

Để thực hiện kế hoạch trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương, người dân và doanh nghiệp thực hiện việc chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng bệnh; quản lý vận chuyển, kiểm soát giết mổ và giám sát an toàn thực phẩm; kế hoạch ứng phó khi có dịch bệnh, phát hiện tác nhân gây bệnh; hệ thống và thú y trong vùng an toàn dịch bệnh; xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ trong quản lý vùng an toàn dịch bệnh.

Trước yêu cầu về phòng chống dịch bệnh đối với động vật, ngày 31/10/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường phòng chống và báo cáo dịch bệnh động vật trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, các chương trình và kế hoạch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đề án, chương trình và kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật đã được tỉnh phê duyệt, chỉ đạo.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, hiện nay trên địa bàn có tổng đàn lợn đạt 1,955 triệu con; tổng đàn gà hơn 9,9 triệu con; tổng đàn trâu trên 13.800 con; tổng đàn đàn bò là 40.170 con.

Bình Phước hiện có 490 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; trong đó 402 trang trại lợn và 88 trại gia cầm. Những năm gần đây, ngành chăn nuôi Bình Phước phát triển nhanh, công nghệ chăn nuôi được cải tiến và có sự đầu tư khá rõ, chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp chiếm trên 90,43%; trong đó, chăn nuôi áp dụng công nghệ hiện đại, chuồng kín chiếm trên 70%. Chăn nuôi theo chuỗi bước đầu cũng được các nhà đầu tư chú trọng và phát triển.

Hiện đã có chuỗi chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn dịch bệnh hướng tới xuất khẩu của Công ty CPV FOOD (Thái Lan) đã được Cục Thú y công nhận an toàn dịch bệnh đối với các trang trại trong chuỗi và nhà máy giết mổ, chế biến thịt gà đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu sản phẩm thịt gà ra thị trường quốc tế.

Sỹ Tuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm