Phát triển vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho xuất khẩu

Nhân viên thú y phun hoá chất tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi của hộ gia đình ở phường Chí Minh, thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Nhân viên thú y phun hoá chất tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi của hộ gia đình ở phường Chí Minh, thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, ngành đã phối hợp cùng các địa phương, doanh nghiệp xây dựng được 1 vùng và 235 cơ sở an toàn dịch bệnh. Cụ thể: 1 vùng cấp huyện và 93 cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm; 130 cơ sở an toàn dịch bệnh trên lợn; 12 cơ sở trên gia súc khác.

Phát triển vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho xuất khẩu ảnh 1Nhân viên thú y phun hoá chất tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi của hộ gia đình ở phường Chí Minh, thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Như vậy đến nay, cả nước có 2.458 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh; trong đó, có 1 vùng cấp tỉnh, 38 vùng cấp huyện, 228 vùng cấp xã và gần 2.200 cơ sở. Phân loại theo loài có 1.106 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm; 1.335 cơ sở, vùng trên gia súc và 47 vùng bệnh dại.

Cục Thú y cho biết, đơn vị tiếp tục hỗ trợ các các địa phương, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm. Mục tiêu của ngành là xây dựng thành công các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) tại vùng Đông Nam Bộ.

Từ đó, nhân rộng mô hình, vận dụng xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương khác trên phạm vi cả nước; tạo điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Đồng thời, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tăng nhanh xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.

Các doanh nghiệp chăn nuôi có nhu cầu chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y các cấp và các đơn vị liên quan của địa phương lập kế hoạch, đề án xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Để tổ chức xây dựng thành công các cơ sở, chuỗi chăn nuôi khép kín, tiến tới xây dượng được các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, vai trò và kế hoạch của các doanh nghiệp, người chăn nuôi là quan trọng nhất. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chăn nuôi đã xây dựng thành công cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cần tiếp tục duy trì chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tổ chức đánh giá và lấy mẫu giám sát định kỳ hàng năm.

Đối với cơ sở chăn nuôi nông hộ, hộ chăn nuôi trong vùng an toàn dịch bệnh cần tuân thủ và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương hướng dẫn. Cơ quan thú y có thẩm quyền của địa phương có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn thực hiện, giám sát, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá thực trạng áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học trong vùng an toàn dịch bệnh.

Cùng với xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, Cục Thú y cũng đang nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường cho sản phẩm chăn nuôi. Hiện thịt gà chế biến của Việt Nam đã có thể xuất khẩu chính ngạch sang sang 7 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc) và 5 nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu; sữa và sản phẩm sữa đã được xuất khẩu sang gần 50 quốc gia; trứng và sản phẩm trứng gia cầm đã được xuất khẩu sang Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Myanmar…; thịt lợn sữa, lợn choai, lợn mảnh đã được xuất khẩu sang thị trường Hong Kong (Trung Quốc) và Malaysia...

Về chuẩn bị xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc, hiện đã có 35 doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị hỗ trợ đăng ký xuất khẩu yến. Trong số đó, Cục Thú y đã hỗ trợ cho 5 doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc và hiện đang chờ xem xét. Cục Thú y đã đàm phán, thống nhất nội dung nghị định thư, mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc.

Với thị trường này, Cục Thú y đã xây dựng xong và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng ký Biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng để phục vụ xuất khẩu.

Mở rộng thị trường xuất khẩu thịt gia cầm chế biến, Cục Thú y làm việc với Đoàn thanh tra của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hàn Quốc sang Việt Nam đánh giá hệ thống quản lý và sản xuất thịt gia cầm của Việt Nam để xem xét cho phép nhập khẩu. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ quốc gia đăng ký xuất khẩu thịt gà chế biến gửi cơ quan thú y Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Singapore phân tích nguy cơ nhập khẩu. Cơ quan thú y Vương quốc Anh sẽ tổ chức đoàn thanh tra sang Việt Nam kiểm tra thực tế vào tháng 9/2023.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm