Thôn A Liêng - Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững dưới chân dãy Trường Sơn

Nằm dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, thôn A Liêng, xã Tà Bhing, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam rộng hơn 4.474 ha, với 249 hộ, gần 1.000 nhân khẩu, là nơi đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Giẻ Triêng, Khơ mú, Kinh đoàn kết chung sống và trở thành điểm sáng trong giảm nghèo bền vững ở địa phương này.

vna_potal_quang_nam_pho_chu_tich_quoc_hoi_nguyen_duc_hai_du_ngay_hoi_dai_doan_ket_toan_dan_toc_o_khu_dan_cu_a_lieng_xa_ta_bhing_huyen_nam_giang_tinh_q_7076047.jpg
Đồng bào Cơ Tu trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức ngày 12/11/2023 ở thôn A Liêng, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Bí thư Chi bộ thôn A Liêng Bhling Chon cho biết, Chi bộ có 57 đảng viên, mỗi năm luôn có từ 2-3 quần chúng ưu tú được giới thiệu để kết nạp vào Đảng. Chi bộ luôn thể hiện tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

Theo Bí thư Bhling Chon, cũng như nhiều thôn khác trong xã, trước đây, thôn A Liêng gần như tách biệt với bên ngoài do ở nơi xa xôi, hẻo lánh, giao thông chậm phát triển. Nhờ các Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững, xã Tà Bhing nói chung và thôn A Liêng nói riêng thay đổi toàn diện về mọi mặt.

Để các chương trình mục tiêu quốc gia và của tỉnh về xóa đói giảm nghèo đi vào cuộc sống, bà con tích cực đón nhận, trước hết, Chi bộ phải thể hiện vai trò lãnh đạo của mình bằng việc làm cụ thể chứ không chỉ nói suông. Mỗi đảng viên trong Chi bộ phải sâu sát địa bàn dân cư, giúp bà con từng việc làm cụ thể như, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất lúa nước, trồng rừng nguyên liệu, trồng rừng gỗ lớn, chăn nuôi gia súc, gia cầm phải có chuồng, có trại, thực hiện ăn chín, uống sạch, giữ gìn vệ sinh để ngăn ngừa dịch bệnh.

Với cách tiếp cận này, thôn A Liêng đổi thay từng ngày. Tình trạng thiếu ăn lúc giáp hạt cơ bản được giải quyết, số hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Đến nay, hệ thống đường bê tông phủ kín toàn thôn và có điện chiếu sáng dọc đường, 100% hộ được sử dụng điện quốc gia và nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, hơn 2/3 số hộ trong thôn có phương tiện nghe nhìn, xe máy. Thôn A Liêng bắt đầu làm quen với dịch vụ du lịch cộng đồng.Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn A Liêng Cha Brăng Ban cho biết, để có cuộc sống như hôm nay, cùng với sự lãnh đạo và hỗ trợ kịp thời của cấp trên, Chi bộ thôn, Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể khu dân cư luôn xác định, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phối hợp tổ chức phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động về phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm.

Đầu năm 2023, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư tổ chức ký kết giao ước thi đua xây dựng gia đình văn hóa, tộc văn hóa gắn thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng khu dân cư văn hóa. Cuối năm 2023, qua bình xét có 200/249 hộ gia đình văn hóa, đạt trên 80%, có 5/9 tộc họ văn hóa, gồm tộc Zơ Râm, Bling, Pơ Loong, Cha Brăng, Bhơ Nướch.

Vào ngày 18 hằng tháng, khu dân cư phát động tổng dọn vệ sinh môi trường, bố trí 30 lò đốt rác, cấp 40 thùng rác cho hộ nghèo, vận động hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn với trên 2.500m². Hiện nay, khu dân cư A Liêng đạt 7/10 tiêu chí về nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu năm 2024 đạt các tiêu chí: Tiêu chí số 3 (vườn, nhà ở); tiêu chí số 5 (thu nhập, hộ nghèo); tiêu chí số 10 (sự hài lòng của người dân), Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn A Liêng Cha Brăng Ban phấn khởi chia sẻ.

Cùng với phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, phong trào xây dựng xã hội học tập được phát động sâu rộng trong địa bàn dân cư. Trẻ đúng độ tuổi đi học được đến trường. Hội khuyến học thôn và các dòng họ duy trì hoạt động có hiệu quả. Các mô hình “Gia đình hiếu học" phát triển và nhân rộng. Nhờ có sự cổ vũ, động viên trong học tập nên các cháu tiến bộ, vượt khó vươn lên...

Để tăng thu nhập cho người dân, thôn A Liêng tích cực tuyên truyền, giới thiệu cho thanh niên đăng ký nhu cầu lao động với Công ty Thaco Trường Hải. Năm 2023, khu dân cư A Liêng có 7 người xuất khẩu lao động tại nông trường của Công ty Thaco Trường Hải tại nước bạn Lào. Năm 2024 có thêm ít nhất 10 người ký hợp đồng lao động ở nước ngoài với Công ty Thaco Trường Hải, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn A Liêng Cha Brăng Ban cho biết thêm.

Bí thư Đảng ủy xã Tà Bhing A Viết Thị Bông chia sẻ, nhiều năm qua, Chi bộ thôn A Liêng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điển hình, năm 2023, thực hiện Nghị quyết Đảng bộ xã và Nghị quyết của HĐND xã, Chi bộ thôn A Liêng cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nội dung phù hợp điều kiện để ký cam kết và tuyên truyền, vận động bà con thực hiện. Các mô hình kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất ngày càng nhân rộng. Phát triển kinh tế rừng, gồm rừng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn, trồng dược liệu dưới tán lá rừng phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là hướng phát triển chính của xã trong những năm tới, Bí thư Đảng ủy xã Tà Bhing A Viết Thị Bông cho hay.

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm