Theo bà Huỳnh Thị Lệ Thủy, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam – Bộ Tư pháp, các đại biểu dự Hội nghị được thông tin về các quy định của pháp luật, các vấn đề tồn tại trong thực tiễn về thỏa ước lao động tập thể, vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp lao động. Đồng thời, các đại biểu nêu các ý kiến, kiến nghị và đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Đây còn là cơ sở để gửi đánh giá, kiến nghị đến Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020 (Ban Quản lý Chương trình 585) và các cơ quan liên quan, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp góp phần hoàn thiện tốt hơn chính sách pháp luật kinh doanh, nâng cao ý thức pháp luật của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thành Đô, đại diện Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một trong những nguyên nhân chủ yếu của các vụ ngừng việc tập thể vừa qua đều liên quan đến việc doanh nghiệp chưa thực hiện đúng thỏa thuận với người lao động, vi phạm pháp luật lao động, nhất là tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội kéo dài… Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Thành Đô cho rằng, thỏa ước lao động tập thể phải được xây dựng trên cơ sở thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động, hướng đến quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Thỏa ước lao động cần tập trung vào các nội dung thiết yếu như tiền lương, thưởng, trợ cấp, nâng lương, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca, bảo đảm việc làm đối với người lao động… Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cần tăng cường chia sẻ thông tin doanh nghiệp với người lao động. Tổ chức Công đoàn cần chủ động đôn đốc, phối hợp cùng người sử dụng lao động thực hiện tốt đối thoại định kỳ, hội nghị người lao động để các bên gặp gỡ, trao đổi thông tin, giải đáp thắc mắc, bức xúc và củng cố mối quan hệ hợp tác trong doanh nghiệp. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tất Nam, đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm từ các nước có nền kinh tế thị trường, thương lượng tập thể là một trong những cơ chế pháp lý cơ bản để điều chỉnh quan hệ lao động phù hợp và hữu hiệu nhất. Thương lượng tập thể có thể giúp khắc phục những mặt trái của cơ chế thị trường, không chỉ thông qua áp dụng tiền lương và những điều kiện lao động bình đẳng giúp đạt được sự phân phối thu nhập, lợi ích công bằng cho các bên, mà còn giúp bình ổn sản xuất, tạo ra tính linh hoạt của thị trường lao động.
Cục công tác phía Nam – Bộ Tư Pháp tổ chức Hội nghị đối thoại “Thỏa ước lao động tập thể và vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp lao động” giữa đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh với doanh nghiệp các tỉnh, thành phía Nam nhằm đưa ra giải pháp thảo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN . |
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi, đối thoại về các vấn đề pháp lý liên quan đến thỏa ước lao động tập thể, vai trò của tổ chức Công đoàn, quy trình thủ tục và nguyên tắc ký kết tiến hành xác lập thỏa ước lao động tập thể từ thực tiễn. Trong đó, đại diện nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến nội dung thỏa ước lao động, các quy định để xây dựng nội quy lao động, hợp đồng thử việc, hợp đồng đào tạo, bồi thường chi phí đào tạo, những giải pháp nhằm tạo điều kiện cho quan hệ lao động phát triển lành mạnh, nâng cao năng lực chủ thể của các bên trong quan hệ lao động, hạn chế tình trạng ngừng việc trái pháp luật./.
Thanh Vũ
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN