Thắp sáng tương lai ở huyện Mù Cang Chải

Cứ mỗi tối, ánh điện tại lớp học xóa mù chữ ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) lại bừng sáng, tiếp sức cho những cố gắng, nỗ lực dạy và học của thầy trò nơi đây. Trong khoảng không gian yên tĩnh, tiếng đọc chữ của những học viên lớn tuổi đồng thanh vang vọng giữa núi rừng, để thắp lên hy vọng về một ngày mai tươi sáng.

Mang lại lợi ích thiết thực

Ngày đi làm nương, tối đi học chữ đã trở thành nền nếp, thời khóa biểu không thể thiếu từ nhiều ngày qua của người dân bản Thào Xa Chải và Tà Ghênh, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải. Bỏ qua tâm lý ngại ngùng, các anh chị cố gắng đồng thanh đánh vần từng con chữ. Dù giọng nói tiếng phổ thông còn chưa tròn vành, rõ chữ, nhưng tất cả mạnh dạn đọc to, đọc đều dưới sự hướng dẫn của thầy giáo.

Đang theo học lớp xóa mù chữ tại bản Thào Xa Chải, chị Thào Thị Mỷ, 46 tuổi ở bản Tà Ghênh, xã Nậm Có, phấn khởi chia sẻ, trước đây mình không biết đọc và viết chữ phổ thông, ngại giao tiếp, khó khăn khi đi ra ngoài. Bây giờ được học chữ, được thầy cô hướng dẫn đọc sách báo, sử dụng mạng internet, mình dần biết nhiều điều hay, văn minh bên ngoài, biết tự mình xóa bỏ các tập tục lạc hậu nên mình càng cố gắng đến lớp học đầy đủ.

vna_potal_no_luc_xoa_mu_chu_cho_dong_bao_mong_o_vung_cao_mu_cang_chai_7269308.jpg
Quang cảnh lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại bản Thào Xa Chải, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải. Ảnh: TTXVN phát

Ngoài chị Mỷ, lớp xóa mù chữ còn có 19 học viên khác là người đồng bào dân tộc Mông trong xã Nậm Có. Tuy mỗi người một độ tuổi khác nhau nhưng họ có điểm chung là chưa biết chữ, chưa thạo tiếng phổ thông. Do vậy, họ ngại làm mọi việc liên quan đến kê khai giấy tờ, thậm chí không làm giấy khai sinh cho con. Không biết chữ, đôi khi họ có những hành vi vi phạm pháp luật mà không biết.

Anh Chang A Của, 38 tuổi ở bản Thào Xa Chải, học viên của lớp học cho biết, không biết chữ phổ thông thì làm gì cũng khó, mình đang làm du lịch nhưng không biết tiếng phổ thông, bất tiện lắm. Mình quyết tâm đi học để về làm homestay tốt hơn, có thể giới thiệu về quê hương, phong tục, tập quán của đồng bào Mông bằng tiếng phổ thông cho du khách. Đến lớp học, được thầy cô tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó A Của thấy được trách nhiệm của mình với quê hương, đồng thời chỉ bảo con em trong gia đình thực hiện tốt quy định của pháp luật.

Cuộc sống gắn bó nương rẫy quanh năm từ khi còn là đứa trẻ, bà Sùng Thị Chù, bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang ngoài 50 tuổi vẫn không biết đọc, biết viết. Nhưng sau khi hoàn thành lớp học xóa mù chữ, cuộc sống của bà như được "sang trang mới". Bà đã đọc được thông báo của xã, tự tay điền được các thông tin vào giấy khám bệnh. Cũng nhờ biết chữ, bà Chù mạnh dạn hơn trong việc mua cây giống, con giống, đọc tài liệu hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Bà Sùng Thị Chù chia sẻ, từ khi biết đọc, biết viết tôi được cử đi học các lớp tập huấn về y tế, nuôi dạy con cái và xây dựng gia đình hạnh phúc; về chuyển đổi cây trồng vật nuôi; phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em... Từ đó, về tuyên truyền lại cho người dân trong bản thực hiện. Bây giờ, tôi đã hiểu khi xem tivi, đọc được hướng dẫn sử dụng thuốc khi bị bệnh... đi lên xã, lên huyện làm các thủ tục là có thể ghi tên mình, không phải điểm chỉ như trước nữa.

Nỗ lực tổ chức lớp học

Huyện Mù Cang Chải có trên 67 nghìn dân, trong đó trên 90% là người dân tộc Mông, sống rải rác ở 98 thôn bản. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ người chưa biết chữ còn cao. Từ thực trạng đó, những năm qua huyện đã liên tục rà soát và mở nhiều lớp học tại bản cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân học chữ phổ thông.

Ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết, bên cạnh việc tích cực vận động người dân trong độ tuổi từ 25 - 60 tham gia các lớp xóa mù chữ, Phòng đã cử giáo viên có năng lực, nhiệt huyết đứng lớp vào các buổi tối trong tuần; phối hợp với các địa phương, cơ quan đoàn thể chuẩn bị chu đáo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các lớp xóa mù chữ.

Kết quả cho thấy, các học viên tham gia các lớp học đều có những kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, tính toán; có hiểu biết đơn giản, cần thiết về các vấn đề tự nhiên, xã hội; có thêm kiến thức để ứng dụng vào sản xuất... Khi trình độ của đồng bào được nâng lên, việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân dễ dàng hơn, nhất là tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn, đời sống văn hóa mới.

vna_potal_no_luc_xoa_mu_chu_cho_dong_bao_mong_o_vung_cao_mu_cang_chai_7269310 (1).jpg
Năm 2024, huyện Mù Cang Chải mở 6 lớp xóa mù chữ cho 180 học viên tại các xã vùng cao. Ảnh: TTXVN phát

Cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã có sự vào cuộc trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền để mỗi năm mở được hai lớp học xóa mù chữ tại các cụm bản. Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt Lý A Sấu chia sẻ, xác định rõ đây là nhiệm vụ khó khăn, ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho lớp học, xã đã thành lập Tổ tuyên truyền vận động học viên ra lớp, rà soát số người chưa biết chữ, tổ chức đến từng hộ, gặp từng người kiên trì tuyên truyền, vận động để người dân khắc phục khó khăn, bỏ qua mặc cảm đến lớp học chữ.

Để giúp học viên tiếp thu nhanh hơn, ngoài sự nhiệt tình, kiên trì trong giảng dạy, giáo viên phải là người biết tiếng Mông để giải thích cho họ hiểu, linh hoạt, sáng tạo trong phương pháp dạy học để đem lại những hiệu quả thiết thực.

Thầy giáo Lù Văn Thức, giáo viên Trường Tiểu học Tà Ghênh, xã Nậm Có chia sẻ, các anh chị lớn tuổi rất ngại đi học nên giáo viên vừa dạy, vừa nói chuyện, động viên để người dân chịu khó đến lớp, khuyến khích và lồng ghép trò chơi trong quá trình giảng dạy, tạo sự hấp dẫn để mọi người thi đua học tập.

Đặc biệt, các giáo viên chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng kiến thức sau khi học giúp học viên nhớ lâu hơn, như: Hướng dẫn học viên tính toán trên máy tính của điện thoại; thực hành nhắn tin giúp học viên quen mặt chữ, ghép tiếng và hình thành câu. Các hoạt động tạo hứng thú cho người học, giúp học viên có thể thực hành ở mọi nơi, mọi lúc, làm cho việc học có tính liên tục hơn.

Sau nhiều nỗ lực xóa mù chữ, đến nay, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đạt gần 78%. 14 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, 2. Dự kiến năm 2024, huyện mở 6 lớp với 180 học viên tại các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm