Nâng cao dân trí từ những lớp xóa mù chữ ở vùng cao Hà Giang

Nâng cao dân trí từ những lớp xóa mù chữ ở vùng cao Hà Giang

Công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một trong những nhiệm vụ then chốt ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Giang hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Xác định được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, những năm qua Hà  Giang đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm duy trì nâng cao chất lượng dạy và học, nâng tỉ lệ chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ. 

Nâng cao dân trí từ những lớp xóa mù chữ ở vùng cao Hà Giang ảnh 1Bà con dân tộc thiểu số vùng cao huyện Xín Mần theo học các lớp xóa mù chữ. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN

Là huyện vùng cao núi đất nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang, huyện Xín Mần có trên 70.000 người bao gồm 18 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 98%. Khí hậu khắc nghiệt,  địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Dân cư sống phân tán, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trình độ dân trí hạn chế, không đồng đều giữa các vùng nên ở các thôn bản vùng cao, vùng sâu vẫn còn nhiều người dân chưa biết chữ.

Hiện nay, huyện Xín Mần vẫn còn trên 12.000 người trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi mù chữ mức độ 1 và mù chữ mức độ 2 (chiếm 29,5% dân số trong độ tuổi),  tập trung chủ yếu là người dân tộc thiểu số và nữ giới. Nhiều người lúc còn nhỏ do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con, xa trường học, phải lao động phụ giúp gia đình, lo toan cuộc sống nên chưa thể đi học. Năm 2023 có 18/18 xã thị trấn đạt xóa mù chữ mức độ 2. Huyện Xín Mần đạt xóa mù chữ mức độ 2… Để đảm bảo đạt tiêu chí xóa mù chữ mức độ 2, huyện Xín Mần đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học. Đồng thời củng cố hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức các lớp xóa mù chữ.

Ông Tô Quang Trọng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần cho biết: Xác định công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xóa mù chữ. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các Trung tâm học tập cộng đồng tích cực điều tra, tổng hợp, phân tích tình hình thực tiễn, triển khai tuyên truyền, huy động tối đa học viên tham gia học xóa mù chữ.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền về công tác xóa mù chữ đến từng thôn bản. Tập trung vào các đối tượng chưa biết chữ thông qua nhiều hình thức linh hoạt như: Tuyên truyền trực tiếp bằng tiếng dân tộc cho bà con các buổi họp thôn, tổ và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng gắn với tuyên truyền xây dựng xã hội học tập, xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua của địa phương. Đồng thời xây dựng tài liệu về lợi ích to lớn của việc biết chữ đối với người dân, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2025 mà người dân được hưởng khi tham gia học tập các lớp xóa mù chữ. Phối hợp với Hội phụ nữ huyện xây dựng kế hoạch mở các lớp xóa mù chữ cho hội viên phụ nữ còn mù chữ tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa, biên giới. Thực hiện linh hoạt các hình thức học tập đối với các lớp xóa mù chữ cho phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số.

Là huyện đa dân tộc, mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán sinh hoạt mang bản sắc riêng. Vì vậy khi tổ chức các lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc tại các thôn bản, huyện Xín Mần đặc biệt quan tâm đến sự phù hợp về phong tục tập quán của đồng bào.  Đến nay, trồng trọt và chăn nuôi vẫn là sinh kế chính của người dân. Bà con đi làm ruộng, làm nương từ sáng sớm, thông tầm cả buổi trưa đến chiều mới về nhà lại lo cơm nước cho gia đình và chăn nuôi lợn gà… Khi trong thôn có việc ma chay, cưới xin hoặc mùa vụ thì cả thôn tập trung hỗ trợ nhau làm… chính vì vậy,  việc bố trí thời gian dạy các lớp xóa mù chữ cho phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào là không dễ. Các lớp xóa mù chữ chủ yếu dạy vào buổi tối tại các điểm trường, sau khi bà con đi làm về và thu xếp công việc gia đình để phù hợp với việc đi lại của học viên, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Hơn nữa, học viên các lớp xóa mù chữ ở đây nhiều độ tuổi, công việc, tập quán sinh hoạt, trình độ nhận thức khác nhau. 100% là người dân tộc thiểu số, sử dụng tiếng dân tộc để giao tiếp, hầu hết chưa biết tiếng phổ thông nên việc dạy chữ lại càng khó khăn. Không chỉ thường xuyên phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, thôn, bản tới nhà vận động học viên, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần còn chỉ đạo các trường phân công các thầy cô dạy các lớp xóa mù chữ linh động về thời gian, kết hợp nhiều hình thức giảng dạy để học viên dễ tiếp thu, bố trí thời gian dạy theo nhóm, lớp.

Đặc biệt, các giáo viên còn nghiên cứu nội dung chương trình bài học và soạn giáo án phù hợp với đối tượng học viên; linh hoạt thay đổi cách bố trí lớp học, không gian lớp học, sử dụng những đồ dùng học tập bằng những sản phẩm nông nghiệp tại địa phương như các loại hạt (ngô, đậu) để dạy môn toán ở giai đoạn 1 và sử dụng song ngữ, cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc để giảng dạy giúp người học cảm thấy gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ.

Với đặc thù là huyện vùng cao, đường giao thông đến các xã, thôn bản còn hết sức khó khăn. Khí hậu khắc nghiệt, dân cư sống thưa thớt, nhà học viên ở xa trường. Điều kiện kinh tế- xã hội chậm phát triển, đời sống nhân dân còn khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu. Một số người dân trong độ tuổi đi lao động làm ăn xa; một số ít người dân tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nhà ở cách xa trường, điểm trường không có nhu cầu đi học. Việc tuyên truyền, vận động và duy trì sĩ số học viên học các lớp phổ cập giáo dục, xóa mù chữ còn gặp nhiều khó khăn. Đối tượng mù chữ theo thống kê, tổng hợp toàn xã còn nhiều, nhưng không ở tập trung một thôn mà rải rác ở các thôn cách xa nhau nên rất khó mở lớp…

Ông Thèn Kháy Mìn năm nay đã 59 tuổi ở thôn Gì Phàng, xã Chế Là, huyện Xín Mần chia sẻ: Những năm trước đây, do gia đình còn rất nhiều khó khăn, bản thân tôi không biết chữ nên rất khổ. Khi có việc lên xã làm giấy tờ thì tôi không dám đi vì mình không biết chữ. Từ khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước, được các thầy cô giáo ở đây vận động, tôi đã theo học lớp xóa mù chữ và giờ đây tôi cũng đã biết đọc, biết viết rồi.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự vận động kiên trì, bền bỉ, sự cố gắng nỗ lực không quản ngại khó khăn của đội ngũ viên chức ngành giáo dục. Dù đường xa đèo dốc, quanh co phải đi xe máy, có đoạn phải đi bộ, dù phải dạy buổi tối có hôm mưa giông, rét buốt, dù thiếu thốn về mọi mặt nhưng những thầy, cô giáo vẫn cần mẫn ngày ngày đến lớp, mang ánh sáng tri thức đến với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số . Năm 2023, huyện Xín Mần đã mở được 30 lớp xóa mù chữ với gần 700 học viên, góp phần quan trọng trong việc duy trì bền vững thành quả công tác xóa mù chữ của tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Xín Mần nói riêng.

Theo ông Bí thư Huyện ủy Xín Mần Hoàng Nhị Sơn: Xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.  Cấp ủy, chính quyền huyện Xín Mần đã huy động các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia vào công tác xóa mù chữ. Chính vì vậy nhiều lớp học xóa mù chữ đã được tổ chức vào ban đêm, từ đó tạo cơ hội cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết để nâng cao dân trí, góp phần thu hẹp khoảng cách về mặt bằng dân trí giữa các vùng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con dân tộc thiểu số.

Minh Tâm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm