Hiệu quả từ các lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới tỉnh Quảng Trị

Phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) phối hợp với các Đồn Biên phòng, chính quyền địa phương mở lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí, phổ cập giáo dục. Ảnh: Thanh Thủy
Phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) phối hợp với các Đồn Biên phòng, chính quyền địa phương mở lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí, phổ cập giáo dục. Ảnh: Thanh Thủy

Nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, những năm vừa qua, Phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã phối hợp với các Đồn Biên phòng, chính quyền địa phương mở các lớp học vào buổi tối. Việc làm này góp phần tăng số người biết chữ, nâng cao trình độ dân trí, nhận thức của người dân cũng như giảm tỷ lệ người biết chữ không bị mù chữ trở lại.

Hiệu quả từ các lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới tỉnh Quảng Trị ảnh 1Phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) phối hợp với các Đồn Biên phòng, chính quyền địa phương mở lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí, phổ cập giáo dục. Ảnh: Thanh Thủy

Là người Lào nhưng lấy chồng và nhập quốc tịch Việt Nam từ năm 2019, chị Hồ Thị Dĩ (30 tuổi, thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi) là một trong những học viên tích cực tham gia lớp học xóa mù do Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở A Dơi tổ chức. Từ chỗ không biết chữ, đến nay, sau gần 8 tháng tham gia lớp học, chị biết viết, có thể đọc thành thạo cũng như tính toán đơn giản. Chị Dĩ cho biết mình muốn tham gia lớp xóa mù để có thể đọc, viết cũng như tính toán cơ bản phục vụ cho cuộc sống cũng như nuôi dạy con cái. Những ngày đầu đi học chữ còn nhiều lúng túng nhưng bây giờ chị đã có thể viết, đọc thành thạo.

Khác với chị Dĩ, anh Hồ Văn Teng (35 tuổi, thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi) nhà nghèo, đông anh em, cuộc sống gia đình khó khăn nên phải bỏ học từ sớm. Suốt ngày quần quật làm việc với nương rẫy, những con chữ cũng dần rời xa khiến anh tái mù chữ. Biết tin Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở A Dơi mở lớp xóa mù anh đăng kí tham gia.

Anh Teng chia sẻ: Vì không biết chữ nên trước kia nhiều lúc giải quyết những việc liên quan đến giấy tờ anh không biết viết tên hay kí được mà phải lăn tay. Những lúc ấy anh thấy rất tủi thân và ngại ngùng vô cùng. Chính điều đó là động lực để anh tham gia lớp học xóa mù chữ. Đến bây giờ anh Teng có thể viết được tên mình, đọc được và làm các phép toán cơ bản. Anh thấy rất vui và hạnh phúc vì điều đó.

Được triển khai từ năm 2019 đến nay, Chương trình mở các lớp xóa mù chữ của huyện Hướng Hóa được thực hiện ở các xã vùng biên giới, khó khăn như: Hướng Lập, A Dơi, Ba Tầng, xã Xy, xã Lìa, xã Thanh… Các lớp học chủ yếu dành cho đồng bào dân thiểu số Bru - Vân kiều và Pa Cô. Học viên tập trung ở độ tuổi từ 15 đến dưới 60 tuổi, mù chữ hoặc tái mù chữ.

Tâm sự với chúng tôi, thầy Hồ Sỹ Chẩm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở A Dơi chia sẻ: Khó khăn lớn nhất trong công tác tổ chức xóa mù chữ cho đồng bào chính là việc tuyên truyền, vận động người dân đến lớp. Thời gian học chủ yếu vào buổi tối, sau một ngày lao động vất vả. Việc duy trì thời gian học vào mỗi ngày sẽ khó thực hiện nếu học viên không kiên trì. Lớp học xóa mù do trường tổ chức được bắt đầu từ tháng 4 đến giữa tháng 12 này là kết thúc. Lớp học có 26 học viên từ 26 đến dưới 60 tuổi, là người Vân Kiều và Pa Cô ở thôn A Dơi Đớ. Học viên trong lớp chia làm hai đối tượng mù chữ và tái mù. Trường cắt cử 3 giáo viên luân phiên dạy Toán, Tiếng Việt để bà con có thể nắm được kiến thức cơ bản. Bên cạnh đó, trường cũng phối hợp với Hội phụ nữ và Đồn Biên phòng Ba Tầng tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để bà con được biết. Đến nay, sau gần 8 tháng tổ chức lớp học, hầu hết học viên đều nắm được kiến thức cơ bản xóa mù giai đoạn 1.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, Phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa phối hợp với các Đồn Biên phòng, Hội phụ nữ, chính quyền các địa phương mở được 9 lớp xóa mù chữ cho 210 học viên. Lớp học được tổ chức 5 buổi/tuần, chủ yếu vào các buổi tối, từ 18 giờ đến 21 giờ.

Sau một ngày làm việc vất vả trên rẫy, trên nương, bà con lại hồ hởi rủ nhau đến lớp học. Dường như sự bận bịu không ngăn được niềm khao khát học chữ của những “học trò” đặc biệt này. Những lớp học đầy ắp tiếng cười. Tiếng đánh vần, tập đọc vang lên giữa núi rừng đã thắp sáng niềm tin, ước mơ và hạnh phúc cho bà con nơi đây.

Quản lý địa bàn biên giới ở khu vực trọng yếu, thời gian qua để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh biên giới, nâng cao nhận thức của người dân, Đồn Biên phòng Thanh tích cực phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa tuyên truyền, vận động người dân tham gia các lớp học xóa mù chữ, cắt cử cán bộ tham gia đứng lớp.

Trung tá Ngô Trường Khôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đơn vị quản lý đã có 3 lớp học xóa mù được tổ chức tại các xã A Xing, Xy và Thanh. Để lớp học được duy trì đều đặn số lượng học viên, đơn vị cắt cử lực lượng đến tận nhà động viên người dân cố gắng chuyên cần đi học để xóa mù. Tại mỗi lớp học, Đồn cử một cán bộ phối hợp đứng lớp dạy văn hóa cũng như lồng ghép các nội dung tuyên truyền về pháp luật, bảo vệ đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đến nay, việc triển khai các lớp học có hiệu quả tốt góp phần nâng cao nhận thức của người dân cũng như bảo vệ an ninh biên giới quốc gia…

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cho biết: Qua thời gian triển khai, đến nay các lớp học phát huy được hiệu quả trong nâng cao trình độ dân trí cho bà con vùng biên giới. Học viên từng mù chữ, tái mù giờ đây có thể biết đọc, viết, tính toán. Đặc biệt, người dân đã có ý thức trong việc làm các thủ tục, giấy tờ cá nhân như Giấy khai sinh cho con, Căn cước công dân; biết kí tên trong các giấy tờ thay vì lăn tay như trước đây…

Việc phối hợp với các Đồn Biên phòng tổ chức dạy học với nhiều nội dung lồng ghép cũng góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, người dân cũng chủ động ứng dụng kiến thức vào việc phát triển kinh tế. Trong năm 2024, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các lớp học xóa mù giai đoạn 2, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Hướng Hóa giai đoạn 2021-2025...

Thanh Thủy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm