Sau 5 tháng mở lớp xóa mù chữ, nhiều học viên đã biết ghép vần, ghép chữ và làm toán. Ảnh: TTXVN phát |
Vì cuộc sống khó khăn, nhiều người Dao ở thôn Khuôn Thống, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, từ nhỏ đã không được đi học hoặc học hành dở dang. Sau khi xây dựng gia đình họ lại bị cuốn vào cuộc sống mưu sinh, nên hầu hết người Dao ở đây không biết chữ. Không biết chữ đồng nghĩa với việc họ bị hạn chế trong giao tiếp, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin.
Trước tình trạng đó, tháng 3/2019, Đảng bộ xã Tân Lĩnh đã phối hợp với trường Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Tân Lĩnh và các cơ quan, ban, ngành của huyện Lục Yên, mở lớp xóa mù chữ tại thôn Khuôn Thống, xã Tân Lĩnh, với hơn 80 người. Lớp học được các giáo viên trường Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Tân Lĩnh thay nhau đứng lớp. Học sinh của lớp là những phụ nữ người Dao từ 15-35 tuổi, thời gian học từ 19 - 21 giờ từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.
Là phụ nữ dân tộc Dao, chị Bàn Thị Chịu ở thôn Khuôn Thống, xã Tân Lĩnh, từ bé không được đi học. Sau khi xây dựng gia đình chị lại vì cuộc sống mưu sinh nên để biết được cái chữ đối với chị là rất khó khăn. Không biết chữ, mọi giao tiếp của chị bị hạn chế, cùng với đó chị cũng không thể quan tâm việc học hành của các con. Cơ hội đến với chị khi trong thôn có lớp học xóa mù và chị quyết tâm đi học để biết chữ. Chị Bàn Thị Chịu chia sẻ, hàng ngày chị tranh thủ đi làm ruộng, chăn trâu, tối về nấu ăn cho gia đình, thu xếp việc nhà xong trước 18 giờ 30 phút để theo học lớp xóa mù chữ.
Không chỉ có chị Bàn Thị Chịu, ở thôn Khuôn Thống còn rất nhiều phụ nữ người Dao cũng có hoàn cảnh tương tự. Không ngại ngùng giấu dốt, sau khi lớp học xóa mù được tổ chức tại thôn, đông đảo chị em phụ nữ người Dao tích cực đi học. Lúc đầu lớp học có 60 học viên đăng ký, sau vài buổi học số học viên đã lên đến hơn 80 người.
Chị Triệu Thị Độc, thôn Khuôn Thống, xã Tân Lĩnh tâm sự, chị không biết viết, biết đọc mà chỉ biết nghe; theo chị không biết chữ rất thiệt thòi, đặc biệt là khi phun thuốc bảo vệ thực vật không biết loại nào phun để trị sâu bệnh, loại nào phun để sinh trưởng cây lúa.
Xác định lớp học chủ yếu là những người lớn tuổi, quen với việc đồng áng, do vậy việc học và tiếp thu kiến thức rất chậm, dễ sinh chán nản, dẫn đến bỏ học, vì vậy ngoài việc vận động các học viên đến lớp, giáo viên còn luôn quan tâm, thân thiện, giúp đỡ để tạo sự hứng khởi cho học viên học tập.
Cô giáo Lương Thị Duyên, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Tân Lĩnh cho biết, để lớp học đạt hiệu quả cao, các cô giáo đã nghiên cứu tài liệu phù hợp với học viên và tìm ra phương pháp truyền đạt đơn giản nhất, giải nghĩa từng từ và đưa hình ảnh thực tế để học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Lớp học xóa mù chữ được Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Tân Lĩnh hỗ trợ toàn bộ bàn, ghế, sách vở và dụng cụ học tập. Thầy Nguyễn Thiện Kế, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học viên rất có ý thức trong học tập, đi học đầy đủ, sau 5 tháng mở lớp xóa mù chữ, nhiều học viên đã biết ghép vần, ghép chữ và làm toán rất nhanh.
Xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, có tỷ lệ người mù chữ cao với 716 người. Trong đó, thôn Khuôn có 182 hộ với 956 nhân khẩu thì có 172 người mù chữ. Nguyên nhân của tình trạng này là do điều kiện kinh tế khó khăn cùng với việc lập gia đình sớm nên không được đi học.
Việc mở lớp xóa mù bước đầu đã mở ra cơ hội cho đồng bào Dao nơi đây, góp phần nâng cao trình độ dân trí, xóa nghèo bền vững; đồng thời tạo thuận lợi trong việc triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con; người dân cũng áp dụng tốt hơn các kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, mang lại thu nhập cao.
Ông Đoàn Đức Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Lĩnh cho biết, mở lớp xóa mù chữ là để bà con được tiếp cận với các văn bản của Nhà nước và các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở mang kiến thức, nâng cao trình độ hiểu biết trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện nếp sống văn minh, giảm hủ tục lạc hậu trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND huyện Lục Yên, toàn huyện có trên 9.800 người mù chữ ở mức độ 1 và 2. Để giải quyết tình trạng này, trong năm 2017-2018 huyện Lục Yên đã mở 3 lớp xóa mù cho 95 học viên, năm 2019 theo kế hoạch sẽ mở 6 lớp. Thời gian tới, huyện Lục Yên tiếp tục rà soát số người mù chữ và tái mù chữ để tuyên truyền, vận động người dân tham gia các lớp xóa mù chữ; phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn xóa mù chữ ở mức độ 2 với 22/24 xã, thị trấn và xóa mù chữ cho 930 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 đạt 94%.
Đỗ Tuấn Anh