Giờ học tại lớp xóa mù chữ ở xã Cam Cọn (Bảo Yên). Ảnh: baolaocai.vn |
Đã thành thông lệ, từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, khi mặt trời vừa khuất núi, chị Sùng Thị Chinh (38 tuổi, thôn Bản Pho, xã A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai) lại băng qua những nương đồi ngút ngàn chuối, dứa nhanh chân trở về nhà, chưa kịp ăn cơm vội lấy cặp đi học. Hơn 2 tháng nay, người phụ nữ Mông này dành thời gian mỗi buổi tối để tham gia lớp học xóa mù chữ do tại điểm trường bản Pho, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát - nơi thượng nguồn con sông Hồng chảy vào đất Việt.
Ở xa trường nhất nhưng hôm nào chị Sùng Thị Chinh cũng là người đi sớm nhất. Càng sát trường học, tiếng các học viên gọi nhau í ới, tiếng nói cười râm ran khiến con đường ban ngày vắng vẻ trở nên nhộn nhịp, đông vui hơn. Chị Sùng Thị Chinh cho biết: “Trước đây, lên xã làm giấy tờ gì thì chỉ lăn tay điểm chỉ hoặc phải nhờ người viết hộ, bón phân nhưng không biết tên là gì, nông sản mình thu được bao nhiêu kg, bán được bao nhiêu tiền cũng không rõ… nên hay bị “bắt nạt” lắm. Biết địa phương mở lớp xóa mù chữ, mấy đứa con mình nằng nặc bắt mẹ đi học. Gia đình tạo điều kiện hỗ trợ đi học đầy đủ nên mới hơn 1 tuần, mình đã tự viết được tên rồi. Sung sướng lắm, cứ như mình trẻ ra vài chục tuổi, như hồi lên 9 lên 10 ấy”, chị Sùng Thị Chinh tâm sự.
Lớp học buổi tối diễn ra từ 7h đến hơn 10h và có hôm sau khi học hơn 10h, chị Sùng Thị Chinh mới trở về nhà ăn bữa tối. Tại điểm trường bản Pho, 15 học viên đồng bào dân tộc thiểu số Mông với độ tuổi trung bình từ 35 - 50 tuổi đều chung suy nghĩ như chị Chinh: “Thiệt thòi, vất vả và khó khăn lắm, lắm khi bản thân mình không biết chữ phổ thông. Như trồng cây chuối chẳng hạn, Bộ đội Biên phòng ở đây luôn nhắc bà con phải thực hiện đúng quy trình mà khách hàng đặt ra nhưng phải biết ghi chép lại mới nhớ được chính xác cách tạo ra những sản phẩm sạch một cách bền vững. Hoặc mỗi lần đến xã để xin giấy tờ, phải đưa con đi cùng để nó viết chữ giúp, không thì lại phải nhờ cán bộ xã viết giúp, như vậy thấy ngại lắm”. Điểm chung của tất cả học viên tại lớp xóa mù của điểm trường Bản Pho đều là những lao động chính trong gia đình, ban ngày họ phải tham gia lao động sản xuất, khi tối muộn về họ cùng nhau tranh thủ đến lớp để học chữ.
Đồng cảm với những khó khăn vất vả mà bà con trong vùng đang gặp phải, cô giáo Đặng Thu Hiền cho biết, mọi người rất tích cực đi học bất kể trời mưa rét hay ấm nóng. Nếu trời rét quá cũng chỉ có 1 - 2 người nghỉ học. Cô giáo Đặng Thu Hiền chia sẻ: “Lớp học còn nhiều khó khăn bởi vì mọi người là lao động chính của gia đình. Nhiều lần mình đi xuống thôn buổi chiều thấy bà con vẫn chưa đi làm về, phải muộn muộn mới thấy về, có những lúc còn chưa được ăn cơm, đi làm về là đi học luôn cho kịp giờ, học xong rồi bảo: cô giáo ơi, bây giờ mới về ăn cơm…”.
Tương tự điểm trường Bản Pho, tại trường Khoai 1+2 nằm tại thôn Bản Khoai 1, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên (Lào Cai), lớp học xóa mù chữ được tổ chức vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Đến hẹn lại lên, cứ 19 h 30, những học viên đồng bào H’Mông với độ tuổi ngoài 35, người lớn nhất lớp cũng gần 50 đã có mặt đông đủ tại lớp học. Lớp có 20 học viên theo học, đa phần đều là những người thuộc hộ nghèo, khó khăn trong bản. Nhưng vì mong muốn biết đọc, biết viết chữ phổ thông để phục vụ cuộc sống mưu sinh hằng ngày nên đã thôi thúc họ đến lớp để học chữ.
Cô giáo Cao Thị Kim Châu, giáo viên đứng lớp xóa mù tại điểm trường Khoai 1 + 2 kể: "Ngày mới đi học, hầu hết những học sinh rất nhát và ngại phát biểu. Thế nhưng bây giờ ai cũng tự tin, mạnh dạn, xung phong lên bảng. Ban đầu học thì cũng khó lắm, tay ai cũng cứng đơ tưởng không viết được, thế nhưng bây giờ hầu hết học viên đã biết đọc, biết viết rồi". Học viên Lầu A Và tâm sự: “Chữ đầu tiên mà mình tập viết đó chính là tên của mình. Cảm giác khi tự tay viết được tên mình sướng lắm. Nhờ biết chữ mà mình thấy thuận tiện đủ mọi thứ, đọc được cả sách báo, hợp đồng mua bán hay vay vốn ngân hàng”, người cha 2 con tâm sự.
Có dịp chứng kiến một buổi học mới thấy hết được cái khát khao “con chữ” của bà con nơi đây. Nhìn bàn tay chai sần vì cầm cuốc, vụng về cầm bút nắn nót viết từng chữ khiến nhiều người khâm phục ý chí quyết tâm của những học sinh đặc biệt này. Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết, nhiều địa phương đã mở các lớp xóa mù chữ lấy thôn làm nòng cốt, đưa Trưởng thôn vào cuộc (làm công tác huy động người mù chữ ra lớp, quản lý lớp) và có sự quan tâm chỉ đạo của Bí thư chi bộ thôn, Trưởng thôn nên đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nền nếp, chất lượng. Đặc biệt, công tác biệt phái giáo viên làm việc tại trung tâm học tập cộng đồng của một số huyện đã được thực hiện và đạt hiệu quả như huyện Bảo Yên (18/18 xã, thị trấn), huyện Văn Bàn (11/23 xã, thị trấn), huyện Bảo Thắng (5/15 xã, thị trấn), Bắc Hà (5/21 xã, thị trấn). Những nơi được biệt phái giáo viên thực hiện nhiệm vụ, tổ chức các hoạt động hiệu quả hơn so với nơi chưa được biệt phái giáo viên.
Năm 2018, Lào Cai đã tổ chức khai giảng 145 lớp học xóa mù chữ, trên 2.550 học viên tham gia. Tại lớp học xóa mù chữ này, các học viên được học tiếng Việt và toán cơ bản. Giáo án chương trình được giáo viên hoàn chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế và trình độ của học viên. Chính vì thế, chương trình xóa mù chữ trước tiên sẽ giúp bà con biết đọc, biết viết, biết tính toán, sau đó là biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao dân trí và làm giàu trên mảnh đất biên giới, vùng cao, vùng sâu của tỉnh.
Hương Thu - Xuân Thành