Thành phố Hồ Chí Minh: Vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhanh, bền vững - Bài cuối

Thành phố Hồ Chí Minh: Vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhanh, bền vững - Bài cuối
Bài 2 - Tiếp theo và hết: Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, rủi ro lớn nhất khi triển khai cơ chế đặc thù là việc chính quyền bàn quá nhiều đến cơ chế mở rộng và tăng mức độ của nguồn thu. Doanh nghiệp và người dân háo hức trông chờ các giải pháp sáng tạo từ cơ chế đặc thù của thành phố sao cho môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Tuy nhiên, khi chưa tạo ra được bầu không khí phấn khởi cho doanh nghiệp mà bàn đến các giải pháp thu thuế, thu phí… để tăng nguồn thu cho ngân sách sẽ tạo thêm gánh nặng cho họ từ cơ chế đặc thù trong lúc này.
Một góc khu Công nghệ cao, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN
Một góc khu Công nghệ cao, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN
Do đó, theo ông Huỳnh Thanh Điền, thành phố nên nhất quán nguyên tắc “gia tăng nguồn thu ngân sách thông qua thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”. Khi nhiều doanh nghiệp được thành lập, nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô và tăng hiệu quả kinh doanh thì nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên một cách bền vững.

Quan trọng nhất trong lúc này là tạo ra được bầu không khí phấn khởi từ cơ chế đặc thù. Bởi, chỉ khi doanh nghiệp phát triển, người lao động mới có việc làm, thu nhập. Doanh nghiệp chỉ hoạt động tốt trong môi trường có dịch vụ công hỗ trợ, giao thông thuận lợi vận chuyển hàng hóa, chính quyền thông minh.
 
Còn theo đề xuất của chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, cần cẩn thận để tránh biến Thành phố Hồ Chí Minh thành “vùng đồi”. Bởi, khi thành phố được trao quyền tự chủ trong việc quyết định mức thuế, kỳ vọng là khi tăng thuế suất thì thành phố sẽ có thêm nguồn thu ngân sách. Nhưng, các hoạt động kinh tế mà thành phố được phép điều chỉnh thuế suất nên nếu mức thuế cao hơn các địa phương khác thì khả năng các doanh nghiệp hay các hoạt động này sẽ chảy khỏi “vùng đồi”.
 
Thêm vào đó dịch vụ là một ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế thành phố và xăng dầu là đối tượng thành phố được tăng thuế môi trường chiếm một tỷ phần đáng kể trong chi phí kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân.

Do vậy, khi tăng thuế thì gánh nặng chi phí kinh doanh sẽ tăng cao hơn và đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng. Trái lại, rất khó để thành phố có thể xem xét giảm thuế suất thấp hơn các địa phương khác nhằm hút các hoạt động kinh doanh từ nơi khác.
 
Để thực hiện cơ chế đặc thù, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã thông qua nhiều Nghị quyết huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng. Cùng đó, huy động nguồn lực để nâng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố để tạo ra chất lượng hoạt động công vụ; thu hút nguồn nhân tài nhưng kết quả chỉ mới bước đầu.
 
Bên cạnh đó, thành phố nhanh chóng đẩy mạnh rà soát tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trên địa bàn thành phố theo hướng tinh gọn đầu mối. Cùng đó, tăng cường năng lực hoạt động của cán bộ trên cơ sở tinh giảm biên chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 
Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra nhiều nhóm giải pháp để thực hiện có hiệu quả huy động vốn đầu tư phát triển trong xã hội. Cụ thể là, phát huy hết mức các nguồn lực để huy động vốn từ ngân sách như nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước từ các doanh nghiệp có vốn nhà nước; nguồn thu từ việc sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước… Ngoài ra, triển khai và đa dạng hóa các hình thức vay nợ, như phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay các tổ chức tài chính và tín dụng, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài.
 
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, với cơ chế đặc thù, thành phố có thể vận dụng để tạo ra các kênh huy động vốn từ xã hội hóa để phát triển các dịch vụ đó, hoặc có thể chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tạo vốn. Quan trọng nhất là kiến tạo ra các dự án công vừa hấp dẫn tư nhân đầu tư, vừa tạo ra tiện ích cho cộng đồng để khả thi khi thực hiện, góp phần phát triển văn minh đô thị.
 
Trong các giải pháp nguồn lực để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh theo cơ chế đặc thù thì một trăn trở lớn mà các cấp lãnh đạo thành phố cũng đang quan tâm đó là chất lượng nguồn nhân lực.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Như, thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, cần có những công dân thông minh, thì mới xây dựng được đô thị thông minh. Đó chính là cần đào tạo nhân lực chất lượng cao, tạo ra nhân tài, biết dụng nhân và giữ nhân thông qua chính sách thù lao thỏa đáng. Đồng thời, nguồn vật lực là điều kiện cần để nhân lực thực hiện mọi hoạt động xây dựng và phát triển bởi nguồn vật lực là tài sản, tiền vốn, tài nguyên, thành tựu khoa học công nghệ…/.
 Việt Âu
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm