Thành phố Hồ Chí Minh: Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng đột biến

Thành phố Hồ Chí Minh: Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng đột biến
Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, những ngày gần đây, khoa liên tục tiếp nhận trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện, đỉnh điểm là ngày 24/9 có đến 222 bệnh nhi điều trị tại khoa. Trung bình mỗi ngày có hàng chục trẻ nhập viện, chưa kể hàng trăm lượt trẻ khám bệnh và điều trị ngoại trú tại Khoa Khám bệnh của bệnh viện.
Phòng cấp cứu của khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 phải nằm ghép 2 bệnh nhi/giường bệnh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Phòng cấp cứu của khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 phải nằm ghép 2 bệnh nhi/giường bệnh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Ghi nhận tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, sáng 26/9 có 179 ca đang điều trị bệnh tay chân miệng, trong đó có gần 30 ca nặng phải nằm phòng cấp cứu. Từ đầu tuần đến nay, có 10 trẻ phải thở máy và 5 trẻ phải lọc máu; đã có 1 trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng.

Do số lượng trẻ mắc bệnh gia tăng đột biến nên việc trẻ phải nằm ghép, nằm chung giường đã xảy ra trong những ngày qua. Bác sỹ Trương Hữu Khanh lo ngại, trong những ngày tới, số lượng trẻ nhập viện tiếp tục gia tăng.

So với 5 năm trở lại đây, số lượng trẻ nhập viện vì tay chân miệng năm nay tăng rõ rệt. Không những trẻ đi nhà trẻ mà kể cả trẻ ở nhà cũng mắc bệnh” - bác sỹ Khanh chia sẻ.
Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh quá tải vì bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh quá tải vì bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
   
Thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu tháng 9 đến nay cũng tiếp nhận gần 7.000 lượt bệnh nhi khám bệnh tay chân miệng và 664 lượt bệnh nhi phải nhập viện. 
 
Qua điều tra dịch tễ, bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hơn 50% số ca nhập viện vì tay chân miệng năm nay là do nhiễm chủng vi-rút EV 71 nguy hiểm. Đây là chủng vi-rút có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như phù phổi, viêm phổi, suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong.
 
Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo các phụ huynh phải đặc biệt lưu ý căn bệnh này bởi đang ở trong mùa dịch. Đỉnh dịch có thể kéo dài tới tháng 11, tháng 12. Do đó, nếu trẻ có các triệu chứng như sốt cao khó hạ kéo dài hơn 2 ngày, nôn ói nhiều thì phải đưa trẻ đi khám.

Một dấu hiệu khác của bệnh tay chân miệng mà các bậc cha mẹ ít để ý, đó là trẻ giật mình trong lúc thiu thiu ngủ. Nếu thấy trẻ giật mình trên 2 lần trong 30 phút kèm sốt cao trên 2 ngày thì phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Nhiều bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng thể nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Nhiều bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng thể nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
 
Thông tin từ các bác sỹ, vi-rút gây bệnh tay chân miệng tương đối bền, có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Tại trường học, nếu xảy ra các ca nhiễm tay chân miệng thì phải cho trẻ nghỉ học, cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày, trong trường phải phòng ngừa ngay bằng cách vệ sinh khử khuẩn bằng Cloramin B và phải làm thường xuyên.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là rửa tay thường xuyên cho trẻ trước và sau khi đến trường, người lớn cũng cần rửa tay thường xuyên trước khi bước vào nhà hoặc trước khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ./.
  Đinh Hằng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm