Thành phố Hồ Chí Minh "nói không" với rác thải nhựa - Bài 2

Thành phố Hồ Chí Minh "nói không" với rác thải nhựa - Bài 2
Bài 2: Trường học tích cực hành động giảm rác thải nhựa 
Hành động thiết thực 
Mới đây, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Quận 1) đã phát động “Chiến dịch Xanh” kêu gọi học sinh, giáo viên tham gia trồng cây xanh và “nói không” với rác thải nhựa. Các hoạt động trong chiến dịch này hướng tới trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường cho học sinh, như hướng dẫn phân loại rác tại nguồn; khuyến khích sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường, bắt đầu từ việc "nói không" với rác thải nhựa. Chiến dịch đã được toàn thể giáo viên, học sinh và cả phụ huynh tích cực hưởng ứng. Từ học sinh đến giáo viên, nhân viên dần chuyển đổi thói quen mua thức ăn đựng trong hộp xốp, hộp nhựa sang các hộp sử dụng nhiều lần. 
Bếp ăn sử dụng khay i-nốc đựng suất ăn. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Bếp ăn sử dụng khay i-nốc đựng suất ăn. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Quận 1) chia sẻ, “Chiến dịch Xanh” là hoạt động diễn ra xuyên suốt và có thi đua khen thưởng. Thông qua chiến dịch nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, đặc biệt ngay từ lúc các em mới bước vào lớp 1. Thay đổi nhận thức, chính các em sẽ là những “tuyên truyền viên” tích cực tới nhiều người xung quanh, lan tỏa ra toàn xã hội chung tay bảo vệ môi trường.
 
Tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (Quận 1), ngay trong buổi tựu trường năm học mới 2019-2020, trường đã thông báo tới tất cả học sinh trong năm học này không bắt buộc phải bọc sách, vở bằng bìa ni-lông. Thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, đây là một hành động cụ thể của nhà trường nhằm kêu gọi, khuyến khích học sinh hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Ngoài ra, căng-tin của trường cũng có những thay đổi tích cực như chuyển đổi từ đồ đựng thức ăn bằng xốp sang đồ sử dụng nhiều lần; còn học sinh mang theo bình cá nhân mua nước sẽ được giảm giá… Ngoài ra, thầy cô, cán bộ nhân viên nhà trường đều mang bình đựng nước thân thiện đến lớp; Trường cũng không sử dụng chai nước dùng một lần để tiếp khách. Từ những việc làm đó, học sinh dần có ý thức hạn chế và “nói không” với ly nhựa, chai nhựa dùng một lần.
 
Không chỉ dừng lại ở hoạt động tuyên truyền, Câu lạc bộ Hóa học của Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức) còn triển khai Dự án Gạch sinh thái với sản phẩm sáng tạo nhằm kêu gọi học sinh chung tay bảo vệ môi trường. Cụ thể, thành viên của Câu lạc bộ hướng dẫn các bạn học sinh thu gom chai nhựa, túi ni-lông, vỏ bánh kẹo… làm sạch và nhét chặt vào chai nhựa. Khi đó, mỗi chai nhựa giống như những viên gạch, rất bền, có thể dùng để xây các bồn hoa nhỏ, bồn chứa nước nhỏ…
 
Lồng ghép vào chương trình giảng dạy 
Tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Quận 5), việc tuyên truyền vận động, khuyến khích học sinh, giáo viên, nhân viên hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" được thực hiện thường xuyên qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm… Đặc biệt, trường còn tổ chức chuyên đề học tập về nội dung bảo vệ môi trường thông qua Cuộc thi Ý tưởng môi trường xanh. Theo đó, các lớp sẽ tham gia thiết kế lớp học xanh, thân thiện với môi trường, trường học xanh, khuôn viên xanh… thông qua đó truyền tải thông điệp xanh, sạch, đẹp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
 
Cùng với những hành động cụ thể được triển khai ngay từ đầu năm học, để đạt hiệu quả lâu dài, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (Quận 1) cũng triển khai lồng ghép nội dung về tác hại của chất thải nhựa và túi ni-lông khó phân hủy đối với môi trường và hướng dẫn phân loại rác tại nguồn vào chương trình giảng dạy, ngoại khóa, tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm cho học sinh.

Theo thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, việc lồng ghép nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường vào các hoạt động của nhà trường đã được thực hiện từ nhiều năm nay, qua đó từng bước nâng cao ý thức, nhận thức của học sinh về bảo vệ môi trường và hiểu được ý nghĩa của việc phân loại rác…
 
Góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong học sinh cũng như giáo viên, ngay từ đầu năm học 2019-2020, ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" đến các trường học trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để học sinh hưởng ứng cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch.
 
Theo bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2019-2020, tất cả trường học trên địa bàn thành phố cùng xây dựng nhà trường đạt yêu cầu "Văn minh, an toàn và xanh - sạch - đẹp"; thực hiện lớp học không rác, trường học không rác và lễ hội không rác; “nói không" với túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, chung tay đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa. Đặc biệt, Sở cũng yêu cầu các trường học tổ chức lồng ghép đưa nội dung về bảo vệ môi trường, về tác hại của chất thải nhựa và túi ni-lông khó phân hủy đối với môi trường và hướng dẫn phân loại rác tại nguồn vào chương trình giảng dạy ở các cấp học.
 
Cùng với đó, các trường tích cực triển khai mô hình 3T (tiết giảm - tái sử dụng - tái chế) nhằm giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái sử dụng và tái chế túi ni-lông trong các hoạt động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng cán bộ, giáo viên, đặc biệt là học sinh thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa, tăng cường các sản phẩm thân thiện môi trường. (Còn tiếp).
Đinh Hằng
Bài 3: Khi bệnh viện giảm dần rác thải nhựa
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm