Để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, Sở Công Thương đã và đang tham mưu UBND Thành phố Hồ Chí Minh triển khai một số giải pháp như UBND thành phố ban hành Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 16/3/2017 quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; hoàn thành việc xây dựng và triển khai Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, trong đó tập trung xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút và hỗ trợ đầu tư cho phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm nhập khẩu,nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm gia công, lắp ráp.
Các sản phẩm cơ khí chính xác được sản xuất tại Công ty CP công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu - TTXVN |
Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình truyền thông nhằm quảng bá, giới thiệu 38 sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của 30 doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông nhằm tập trung hỗ trợ phát triển thành các sản phẩm đặc trưng và doanh nghiệp chủ lực của thành phố cũng như làm cơ sở xây dựng, triển khai các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực trong sản xuất kinh doanh, góp phần sản xuất và quảng bá hình ảnh sản phẩm, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố. Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp về mặt bằng mở rộng sản xuất, Sở đang nghiên cứu đề xuất giải pháp hỗ trợ tạo mặt bằng sản xuất với quy mô diện tích và giá thuê phù hợp cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ như: Lựa chọn quỹ đất từ 20-50ha trong 1 khu công nghiệp để xây dựng 1 hoặc 2 phân khu công nghiệp hỗ trợ bằng nguồn vốn ngân sách. Hoặc sử dụng vốn ngân sách đầu tư xây dựng 1 khu công nghiệp (hoặc cụm công nghiệp) trên cơ sở sử dụng quỹ đất nông nghiệp do nhà nước quản lý. Theo ông Phạm Thành Kiên, khi phân khu này hình thành sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất với quy mô diện tích và chi phí phù hợp, gắn kết với nhau và đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp sản xuất FDI và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối, từng bước hình thành mạng lưới sản xuất công nghiệp hỗ trợ của thành phố theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, trong năm 2018, Sở Công Thương sẽ tăng cường kết nối chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp khảo sát để nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp. Từ đó, đề xuất UBND thành phố giao Sở Công Thương thành lập phân khu sản xuất công nghiệp hỗ trợ vệ tinh cho các doanh nghiệp đầu cuối trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao Cùng với các giải pháp trên, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sở Công Thương thành phố) cũng đẩy mạnh việc kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố với các doanh nghiệp FDI theo chương trình “Phát triển nhà cung cấp tốt”. Chương trình gồm các hội nghị kết nối giao thương giữa hàng trăm doanh nghiệp thành phố với các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... Qua đó, doanh nghiệp FDI sẽ chọn ra các nhà cung ứng tiềm năng để tiến hành khảo sát và hướng tới hợp tác.
Dây chuyền sản xuất ốc vít tại nhà máy Công ty cổ phần sản xuất thương mại Vĩ Nam Việt (Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Huyện Bình Chánh). Ảnh: An Hiếu – TTXVN |
Kết quả nổi bật trong thời gian qua của chương trinh này là Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ đã phối hợp với Tập đoàn Samsung tìm kiếm những doanh nghiệp tiềm năng tham gia chương trình cải tiến được Samsung thực hiện trong vòng 3 tháng nhằm nâng cao năng lực và năng suất lao động cho các doanh nghiệp, hướng tới là nhà cung ứng cho Samsung, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện đã có một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Sản xuất Hiệp Phước Thành, Công ty Cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên… đã được chọn tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm linh kiện cho Samsung. Để các doanh nghiệp có nguồn vốn duy trì hoạt động, mở rộng sản xuất, Sở Công Thương thành phố là một trong các đầu mối kết nối các ngân hàng trên địa bàn với doanh nghiệp. Mặt khác, trong năm 2017, thành phố đã ban hành Quyết định 15 về chính sách hỗ trợ vốn riêng cho doanh công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất. Theo đó, mỗi doanh nghiệp có thể được hỗ trợ vốn vay đến 200 tỷ đồng/dự án, thời gian tối đa lên tới 7 năm. Tính đến nay, đã có 3/11 dự án được duyệt hỗ trợ đầu tư với tổng vốn trên 200 tỷ đồng. Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 3/2018, Sở sẽ chủ trì phối hợp cùng Ban quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA), Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) tổ chức chương trình “Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018 - SFS 2018” nhằm tạo điều kiện các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ tăng cơ hội tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cung ứng, mở rộng sản xuất, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu Cụ thể, chương trình kết nối cung cầu sản phẩm chi tiết linh kiện trực tiếp giữa các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung lĩnh vực công nghiệp chế tạo ô tô, xe máy, xe tải; công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo… Theo Ban tổ chức, hiện đã có 16 doanh nghiệp FDI cà các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử như Samsung, Tiger Việt Nam, Asanzo, DLG Ansen Electric..; lĩnh vực ô tô, xe tải như Mitsubishi, Ford, Samco, Deahan, Vĩnh Phát…; cơ khí chế tạo như Bosch, Shindler, Juki… đang tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước./.
Anh Tuấn
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN