Cụ thể, mục tiêu của đề án là tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số nhằm tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, giảm nghèo bền vững và có thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại thành phố trong quá trình phát triển và hội nhập.
Đào tạo nghệ xây dựng tại một cơ sở dạy nghề ở thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa- TTXVN) |
Trong giai đoạn 2016-2020, đề án đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho 20% người dân tộc tiểu số, tương đương khoảng 11.700 người trong độ tuổi lao động, chưa qua đào tạo nghề và có nhu cầu học nghề. Đồng thời, thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 80% người dân tộc thiểu số sau khi tham gia đào tạo. Hình thức đào tạo nghề gồm tổ chức dạy nghề tập trung cho người dân tộc thiểu số tại các cơ sở dạy nghề và dạy nghề kèm cặp trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo.
Sau khi đào tạo, căn cứ vào nguyện vọng làm việc, khả năng đáp ứng các điều kiện về tuyển dụng của người dân tộc thiểu số để giới thiệu vào làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng; đồng thời có chính sách vay vốn hỗ trợ vay vốn tạo việc làm theo các chính sách ưu đãi của Nhà nước và Quỹ quốc gia về việc làm.
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 52 dân tộc, trong đó có 51 dân tộc thiểu số. Kết quả tổng điều tra dân số năm 2009, hơn 462.00 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 6,4% dân số thành phố, đông nhất là dân tộc Hoa (414.00 người, chiếm 5,78%), Khmer (24.268 người, chiếm 0,33%), Chăm (7.819 người, chiếm 0,1%)... Trong đó, số người trong độ tuổi lao động khoảng 280.000 người, chiếm tỷ lệ hơn 60%. Số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo đang làm trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh các thể khoảng 81.000 người. Theo khảo sát của Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế thành phố, 71% số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo có nhu cầu học nghề./.