Thanh Hóa nỗ lực giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại khu vực miền núi

Thanh Hóa nỗ lực giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại khu vực miền núi

Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xảy ra tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang là vấn đề nan giải của tỉnh Thanh Hóa. Dù chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng tình trạng này vẫn đang xảy ra tại khu vực các huyện biên giới đặc biệt khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với nhiều người dân tộc thiểu số Mông, Thái, Mường sinh sống. Để giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thời gian qua, Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 262 hội nghị tuyên truyền, 113 buổi nói chuyện, nhiều mô hình điểm về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông khu vực miền núi. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn xảy ra tại các huyện biên giới Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn... Nguyên nhân là do nhiều khu vực biên giới còn phong tục hứa hôn. Tại một số bản Mông, người dân còn nặng quan niệm lấy vợ, lấy chồng sớm để có nhân lực làm nương rẫy, giữ của cải trong nhà... Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đủ rộng; việc xử lý vi phạm mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính…

Tại huyện biên giới Quan Sơn, dù các cấp chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, nỗ lực tuyên truyền nhưng vấn nạn tảo hôn vẫn diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Em Hà Thị Danh (sinh năm 2004, người Thái), ở khu 2, thị trấn Sơn Lư cho biết, sinh ra trong gia đinh nghèo, hết lớp 10 em bỏ học đi làm công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian làm việc, em gặp anh Ngân Văn Phúc (sinh năm 1999) là người cùng quê. Hai người nảy sinh tình cảm, sau đó em mang thai và phải về quê sinh con dù chưa đủ tuổi kết hôn. Do con mới hơn 1 tuổi nên em vẫn chưa thể đi làm, phải sống phụ thuộc vào bố mẹ. Để có tiền đảm bảo cuộc sống, chồng em phải đi làm thuê khắp nơi. Cuộc sống hết sức khó khăn. Thời gian tới, khi con được 4 tuổi, em sẽ đi làm ruộng, trồng trọt để kiếm thêm lo cho gia đình.

Cũng là người dân tộc Thái, em Hà Thị Hương (sinh năm 2002), ở thị trấn Sơn Lư cho hay, em bỏ học và lấy chồng năm 16 tuổi dù chưa đủ tuổi kết hôn. Trong 2 năm 2017 và 2018 em đã sinh hai con. Do lấy nhau từ khi còn nhỏ, phải bỏ học giữa chừng và không có vốn nên hai vợ chồng chỉ làm ruộng, trồng ngô, lúa. Cuộc sống khó khăn do không biết làm ăn. Không có tiền nuôi con nên chồng em phải đi làm công nhân tại Hà Nội, còn em ở nhà làm ruộng và chăm con.

Ông Trương Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn khẳng định, để ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, UBND huyện Quan Sơn đã tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết; đồng thời, thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân để ổn định đời sống trước khi kết hôn. Thời gian tới, UBND huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân để giảm tình trạng này; đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ không còn tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn.

Huyện biên giới Mường Lát từ năm 2020 đến nay có 151 cặp tảo hôn và 1 cặp hôn nhân cận huyết. Đây là khu vực biên giới nghèo nhất cả nước và có nhiều người Mông, Thái sinh sống; trình độ dân trí thấp; nhiều người không biết tiếng Kinh; lứa tuổi học sinh yêu đương sớm dẫn đến mang thai và phải cưới.

Theo ông Hồ Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, nhằm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với UBND huyện Mường Lát và các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền đến Ban quản lý các thôn, bản về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết, những lợi ích khi thực hiện nếp sống văn hóa và chính sách kế hoạch hóa gia đình. Đến nay, người dân trên địa bàn đã nâng cao ý thức trong chấp hành pháp luật hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình.

Theo Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020 - 2022, tỉnh có 14.700 cặp kết hôn, trong đó có 325 cặp tảo hôn và 1 cặp hôn nhân nhân cận huyết thống. Hiện, Ban dân tộc tỉnh đang thực hiện đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đẩy lùi tình trạng này tại các xã miền núi.

Ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, Ban đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện miền núi lên kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh thực hiện giai đoạn 2 đề án. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, UBND các huyện sẽ duy trì, nhân rộng các mô hình can thiệp, giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bảo dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Ban dân tộc tỉnh cũng tổ chức các hội nghị, tập huấn cho người dân về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật trẻ em…; biên soạn tài liệu, các sản phẩm truyền thông như tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, hỏi đáp về pháp luật hôn nhân và gia đình, các vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết để cấp phát cho các xã, thôn, bản; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân tộc, báo cáo viên.

Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến hết năm 2025, trên địa bàn sẽ không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm