Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đã có công điện khẩn yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành về việc triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Theo đó, các huyện chỉ đạo UBND cấp xã vận động nhân dân khẩn trương khắc phục nhà ở bị thiệt hại do dông, lốc; thực hiện công tác tự kiểm tra, gia cố chắc chắn nhà ở đề phòng khi dông, lốc tiếp tục xảy ra. Đồng thời, các huyện chủ động sử dụng kinh phí dự phòng ngân sách được cấp để hỗ trợ khẩn cấp các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, phải sơ tán theo quy định.
Các huyện, xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tránh, trú khi xảy ra dông, lốc; phối hợp tổ chức thống kê, kiểm tra, đánh giá, đề xuất hỗ trợ thiệt hại và thực hiện báo cáo theo quy định.
Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo lực lượng các cấp tại cơ sở thuộc quản lý bảo đảm an ninh, trật tự khu vực xảy ra thiên tai, tham gia hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân sửa chữa, khắc phục nhà ở bị thiệt hại.
Các sở, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất và dự trù đảm bảo đáp ứng cung cấp đủ vật tư, vật liệu cho nhân dân các địa phương vùng bị thiệt hại do các đợt lốc vừa qua; kiểm tra và hướng dẫn các địa phương về chăm sóc, phục hồi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ đối với diện tích hoa màu bị thiệt hại…
Trong các đêm 19 - 20/4 và ngày 21/4, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra dông, lốc kèm mưa, gây thiệt hại lớn về nhà ở, tài sản của nhân dân. Theo thống kê đến ngày 22/4, toàn tỉnh có 2.698 nhà ở, 13 điểm trường, 6 công trình nhà văn văn hóa bị tốc mái; gần 245 ha hoa màu bị ảnh hưởng và nhiều công trình bị hư hại. Dông lốc cũng đã khiến 1 người đàn ông ở huyện Nguyên Bình bị thương.
Trước đó, đầu tháng 4, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra 2 trận dông lốc kèm mưa vào ngày 2/4 và ngày 17/4 làm tốc mái 3.607 nhà và hoa màu bị thiệt hại, ảnh hưởng trên 600 ha.
Chu Hiệu