Niềm tự hào của quê hương
Từ rất lâu rồi, người dân Quỳnh Sơn luôn tự hào với nghề làm mái ngói âm dương của quê hương. Thứ ngói lợp làm cho ngôi nhà mát mẻ trong mùa hè, ấm áp trong mùa đông ấy đã được làm ở đây cũng hơn trăm năm. Người Quỳnh Sơn tạo nên ngói, nhưng cũng chính những viên ngói thô sơ mộc mạc kia đã tạo ra nghề truyền thống cho bà con, nên thương hiệu mái ngói Quỳnh Sơn nổi tiếng trong vùng.
|
Lò nung ngói âm dương. |
Bà con ở Quỳnh Sơn vẫn chủ yếu làm nghề nông. Hết vụ lúa, ngô, mới xoay sang làm ngói. Đến Quỳnh Sơn dịp ấy, chỉ cần vào đầu làng là đã cảm nhận được cái không khí lao động tất bật, rộn ràng, mùi hương đất ngai ngái, mùi khói khen khét của những lò nung ngói nơi đây. Nhà ông Dương Văn Hưng, một trong những gia đình có truyền thống làm mái ngói từ rất lâu đời trong xã cũng đang tất bật nhào đất, bóc tơi đất, lọc sạch cát sỏi…
|
Bên trong lò gốm. |
Ông Hưng cho biết, để làm mái ngói tốt thì khâu đầu tiên là phải chọn được đất, là loại đất sét đào ở ruộng. Chính vì thế, ở những công đoạn này, người thợ phải làm thật khéo léo, nhẹ nhàng thì khuôn ngói và vòng đất mới dễ dàng tách rời nhau. Nghe ông Hưng kể, trước đây người ta làm khuôn cố định chỉ có thể làm được một viên ngói nhưng trong quá trình lao động sản xuất người Quỳnh Sơn đã sáng tạo làm khuôn hình chữ nhật để mỗi lần đưa đất vào khuôn có thể làm được hai viên ngói đều nhau chằn chặn. Sau khi đưa đất về, người thợ tiếp tục nhặt sạch sạn đá, rồi đem ủ trên 20 ngày để khi nung, ngói sẽ không bị sống.
|
Để có viên ngói đẹp phải làm sạch đất bằng cách lấy dây cắt thành những miếng mỏng và dùng tay nhặt sỏi đá. |
Có nhiều gia đình ở Quỳnh Sơn có truyền thống cha truyền con nối, mấy đời đều làm mái ngói âm dương nổi tiếng trong xã, trong huyện. Để tập trung nhân công, mỗi đợt làm ngói, thường tập trung hai, ba gia đình cùng làm để thành một mẻ ngói cho vào lò, mọi người vừa làm vừa nói chuyện, trêu đùa cũng quên đi mệt mỏi.
Nhìn những người thợ đang miệt mài làm, người kéo xén đất thành từng thỏi, người nhào đất, cắt thành từng lát mỏng… mới thấy đằng sau những viên ngói thô sơ ấy là cả sự kỳ công của người thợ. Một vạn viên ngói mới đủ để lợp một ngôi nhà sàn ba gian, những người thợ ở đây phải chia làm mấy lần nung. Mỗi nhà cũng giữ một bí quyết riêng để tạo màu sắc và giữ độ bền cho ngói. Sau khi ngói đã ra lò, những người thợ lại thoăn thoắt xếp ngói để đợi khách hàng đến mua.
Trăn trở với nghề
Ở Quỳnh Sơn hiện có khoảng 30 hộ dân còn sản xuất ngói âm dương. Sản phẩm làm ra cũng để bán chủ yếu cho các huyện trong tỉnh Lạng Sơn như Văn Quan, Văn Lãng, Bình Gia, thỉnh thoảng cũng có những xe chở ngói đi các tỉnh lận cận như Bắc Giang, Cao Bằng.
|
Đường vào xưởng ngói. |
Mặc dù tâm huyết với nghề truyền thống, nhưng nhiều gia đình làm ngói ở Quỳnh Sơn vẫn không khỏi trăn trở với nghề. Là nghề truyền thống nhưng vẫn chỉ là nghề phụ, thu nhập không đáng kể. Trong khi đó, chính ngói truyền thống cũng bị cạnh tranh bởi những tấm lợp công nghiệp, tấm lợp tôn hiện đại tiện dụng và nhanh gọn hơn, còn người làm thì vẫn chịu công việc nặng nhọc, chủ yếu làm việc tay chân nên nhiều người trong xã cũng rất đắn đo giữa việc giữ nghề cha ông để lại hay đi làm nghề mới.
|
Những ngôi nhà lợp ngói âm dương. |
Thế nhưng, với những ai còn làm ngói, cứ lửa cháy trong những lò nung là họ còn chưa tắt đi niềm yêu nghề. Nhiều người làm ngói trong xã vẫn bảo, nhiều lúc nghề làm ngói âm dương tưởng chừng tàn lụi, ấy vậy mà giờ đây, nghề làm ngói ở Quỳnh Sơn vẫn duy trì và phát triển. Những người con của đất Quỳnh Sơn vẫn thổi hồn vào đất từ đôi tay cần mẫn của mình, giữ cho những lò nung ngói luôn đỏ lửa hàng ngày và đóng góp thầm lặng để tạo nên nét đặc sắc, cổ kính trên những mái nhà cổ kính rêu phong, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân xứ Lạng.