Cùng với những làng nghề cổ của đất Hà Nội có tuổi đời hàng trăm năm như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, nón Chuông, mây tre đan Phú Vinh, đúc đồng Ngũ Xã… thì khảm trai Chuôn Ngọ được biết đến là làng nghề có tuổi đời gần 1.000 năm. Không chỉ nổi danh bởi mang trong mình truyền thống lâu đời, mà sản phẩm khảm trai của Chuôn Ngọ đã thể hiện sự tài hoa của người nghệ nhân, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Những ngày giáp Tết, như một thói quen hàng năm, tôi thường cùng người bạn đồng hành - chiếc xe máy cà tàng đi tìm và thăm thú những nét đẹp xưa. Điểm đến lần này là làng nghề Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội để tìm hiểu về một làng nghề dù đã gần 1.000 năm tuổi những vẫn lớn mạnh cho đến ngày nay. Dừng xe ngay đầu làng Chuôn, tôi đã nghe đâu đó phảng phất mùi khét của những mảnh trai, mảnh ốc đang được mài rũa, mùi của vecni đánh bóng sản phẩm và những tiếng đục đẽo vang lên từ những nhà làm nghề.
Theo những nghệ nhân cao tuổi tại làng, nghề khảm trai tại đây có từ thời nhà Lý (khoảng thế kỷ XI - XIII), cho đến nay đã được khoảng 1.000 năm tuổi.
Nghệ nhân khảm trai Vũ Đức Thắng cho hay, nghề khảm trai nói chung đều phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, mỗi công đoạn đều cần sự tỷ mỹ, nhẫn nại và khéo léo, từ vẽ mẫu, cắt theo họa tiết mẫu, dán miếng cắt vào gỗ và đục đẽo theo họa tiết, sau đó là dán miếng trai, mài phẳng và tỉa các họa tiết nhỏ hơn…; cuối cùng mới là đánh bóng sản phẩm. Nghệ nhân Vũ Đức Thắng chia sẻ, có những sản phẩm cần phải ghép đến hàng nghìn miếng vỏ trai, vỏ ốc nhỏ, nhiều màu sắc để tạo nên tác phẩm hoàn thiện.
Ngắm nghía những sản phẩm tại làng nghề Chuôn Ngọ, điều dễ nhận thấy là các mảnh trai được khảm trên bức tranh, những chiếc hộp gỗ rất phẳng, không bị nứt vỡ và sờ vào không bị gợn tay. Các chi tiết được trang trí đặc sắc, sống động… Sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ có đường nét sắc sảo, phối màu đẹp, rõ ràng và rất có hồn, khác biệt so với các sản phẩm khảm trai ốc nơi khác.
Anh Nguyễn Đình Trang, chủ cơ sở sản xuất khảm trai truyền thống tại Chuôn Ngọ cho hay, việc lựa chọn vỏ trai, vỏ ốc, hay vỏ hến cho phù hợp với sản phẩm sắp làm ra cũng là một khâu rất quan trọng. Vỏ trai có rất nhiều loại, đơn cử như trai cánh mảnh nhỏ, sẫm màu; trai thịt trắng, vỏ mình dầy; trai Nông Cống (Thanh Hóa) có nhiều vân…; hay các loại ốc biển phải là ốc xà cừ… Các mặt hàng có độ tinh xảo cao, có "hồn" như núi non, cánh phượng…, phải lựa chọn những vỏ trai nhiều màu sắc đặc trưng.
Trước đây, làng khảm trai Chuôn Ngọ chủ yếu làm các sản phẩm với những ý tưởng "đơn điệu" như tùng cúc trúc mai, chim hoa, cá cảnh, hay các tích truyện cổ. Nhưng đến nay, phục vụ nhu cầu của khách hàng trong nước và trên khắp thế giới, sản phẩm của Chuôn Ngọ ngày một đa dạng về cách thức thể hiện với Chùa Một Cột, Kinh thành Huế, Sài Gòn, thiếu nữ áo dài,.. Các sản phẩm được khảm từ tranh chữ, tranh tứ quý, sập gụ, hoành phi, bàn thờ… đến các sản phẩm nhỏ hơn phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày như hộp đựng, bút, đĩa gỗ, lọ gỗ, vòng tay, chân dung, ấm chén, tượng… Những tác phẩm khảm trai tinh xảo của làng Chuôn Ngọ không chỉ là tinh hoa, trí tuệ của người nghệ nhân mà đó còn thể hiện tính thẩm mỹ, hữu dụng theo xu thế thời đại.
Có lẽ nhờ đó, sản phẩm của làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội ngày càng phát triển, không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước mà đã vươn xa ra thị trường quốc tế như Anh, Nga, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Phát triển và vươn xa, song hàng năm, vào ngày mùng 9 tháng Giêng hoặc ngày 9 tháng 8 âm lịch, người dân Chuôn Ngọ vẫn giữ truyền thống, tổ chức ngày lễ lớn tưởng nhớ công lao của tổ nghề khảm trai.
Tết cổ truyền là dịp để tìm về những nét đẹp truyền thống, để đón nhận, cảm nhận sắc Xuân của đất trời và sự tinh hoa của đôi bàn tay những nghệ nhân làng nghề cổ. Không phải ngẫu nhiên mà Chuôn Ngọ được giữ vững và bảo tồn cả 1.000 năm qua. Đó là cả quá trình say nghề, sống và chết với nghề của nhiều thế hệ nghệ nhân của mảnh đất này.
Đức Dũng