Tạo môi trường và sinh kế bền vững từ rừng ngập mặn ở huyện Núi Thành

Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành (Quảng Nam) Ngô Đức An cho biết, rừng ngập mặn của Núi Thành có trên 100 ha, tập trung ở các xã Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải, Tam Tiến. Rừng ngập mặn không chỉ có vai trò trong việc chống sạt lở, ngăn chặn cát bay mà còn là nguồn sinh kế của cộng đồng ở địa phương.

images1222611_rnm1-14_17_33_103.jpg
Rừng ngập mặn ở Cồn Si (xã Tam Hải, huyên Núi Thành). Ảnh: baoquangnam.com.vn

Người dân tự trồng lại những cánh rừng bị chết

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang (huyện Núi Thành) Nguyễn Ngọc Vinh, các cánh rừng ngập mặn đặc biệt hữu ích với người dân địa phương trong mỗi mùa mưa bão và tạo nguồn sinh kế quanh năm cho cộng đồng. Trước thực trạng rừng bị chết hàng loạt, địa phương đã báo cáo lên cấp trên và các cơ quan chức năng để khảo sát, đánh giá, tìm ra nguyên nhân rừng ngập mặn bị chết với diện tích hơn 5 ha trên tổng số hơn 25 ha rừng ngập mặn tại địa phương. Trong khi chờ các cơ quan chức năng có kế hoạch phục hồi lại diện tích rừng bị chết, việc người dân tự giác trồng lại những cánh rừng nhằm bảo vệ môi trường, giữ gìn nguồn sinh kế.

Ông Nguyễn Ngọc Chính (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) chia sẻ, các cánh rừng ngập mặn rộng hàng chục ha ở hai bên sông Trường Giang và các bãi bồi gần cửa biển không chỉ có tác dụng chống sạt lở mà còn là môi trường sống của các loài thủy sinh có giá trị kinh tế cao như: sò huyết, ốc hương, sò điệp, cua ghẹ và cá các loại. Đây là nguồn sinh kế từ bao đời nay của người dân hai xã Tam Quang và Tam Giang (huyện Núi Thành). Vì vậy, bảo vệ và phát triển diện tích rừng ngập mặn đã trở thành “hương ước” của cộng đồng.

“Cách đây vài năm, nhiều khu rừng ngập mặn của xã Tam Giang bị chết hàng loạt. Rừng ngập mặn bị chết, không chỉ mất đi khả năng che chắn gió bão mà còn đe dọa đến môi trường sống của các loài thủy sinh. Vì vậy, trước khi có nghiên cứu đánh giá về nguyên nhân rừng ngập mặn bị chết của các cơ quan chức năng, cộng đồng nơi đây đã chung tay khôi phục lại những diện tích rừng đã chết theo cách của mình”, ông Chính chia sẻ.

Theo ông Chính, để khôi phục rừng ngập mặn, người dân xã Tam Giang học theo cách làm của các xã Tam Quang, Tam Hải. Cây con trồng rừng ngập mặn (cây đước, cây bần, cây mắm) được ươm trong bầu đất và trồng khi nước triều xuống. Trước khi trồng, vỏ bầu bằng ni-lông được xé bỏ. Sau khi trồng, gốc cây được lấp chặt bằng đất bùn và giữ chặt bằng cọc để tránh gió lay làm chết cây.

Ông Chính cho biết thêm, cây ngập mặn có bộ rễ phát triển rất nhanh, chưa đầy một năm sau khi trồng bộ rễ đã cắm sâu xuống nước, giúp cây phát triển nhanh. Khi đến tuổi trưởng thành, các bộ rễ cây, cành lá đan vào nhau rất vững chắc. Với cách làm này, nếu được hỗ trợ kinh phí trồng và chăm sóc, khả năng khôi phục các cánh rừng ngập mặn là không khó.

Trồng rừng ngập mặn để hạn chế xói lở

Đối diện với xã Tam Giang là xã đảo Tam Hải, được bao bọc bởi sông Trường Giang và biển cả. Để ngăn chặn sạt lở bờ sông bờ biển, cùng với các công trình kè bằng bê tông cốt thép đã và đang được xây dựng quanh đảo, người dân nơi đây xác định việc trồng rừng ngập mặn để hạn chế xói lở là một trong những việc làm thường xuyên. Đây cũng là tiêu chí thi đua giữa cộng đồng các thôn với nhau.

Ông Huỳnh Ngọc Đức (người dân thôn Long Thạnh Tây, xã đảo Tam Hải) chia sẻ, rừng ngập mặn ở ven sông Trường Giang và cửa biển là môi trường sống của các loài thủy sinh “nước lợ” như: ốc hương, sò điệp, tôm, cua và các loài cá. Ở thôn Long Thạnh Tây, hàng chục gia đình không có sức làm ăn dài ngày trên biển đã có thêm thu nhập mỗi ngày trên 200.000 đồng nhờ việc khai thác hải sản trong rừng ngập mặn. Vì vậy, khi chính quyền phát động chương trình trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, người dân trong thôn đã tích cực hưởng ứng. Trong mùa trồng rừng ngập mặn năm nay, ông đã trồng hơn 500 cây, góp phần đưa diện tích rừng ngập mặn của cộng đồng Long Thạnh Tây trồng mới thêm hơn 1 ha.

Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng cho biết, chương trình trồng rừng ngập mặn, trồng rừng dương liễu trên triền cát ở địa phương đã có từ hàng chục năm trước, nhằm ngăn chặn tình trạng nước biển xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền do triều cường. Đây cũng là hoạt động ngăn chặn tình trạng “nhà nhà nuôi tôm trên cát” không kiểm soát được, khiến môi trường sinh thái trên đảo bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Để triển khai chương trình trồng và tái tạo rừng, Tam Hải đã đã thành lập tổ trồng và bảo vệ rừng ở các thôn với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng. Cộng đồng thảo luận và xây dựng quy chế trong việc trồng và bảo vệ rừng. Theo đó, từng thôn trong xã đều có chỉ tiêu trồng rừng hằng năm, xem đó như là tiêu chí hàng đầu trong việc đánh giá thi đua giữa các thôn trong năm”, Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hải nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hải, mọi người đều nhận thấy lợi ích của việc trồng rừng ngập mặn. Nhờ vậy đến nay, xã đảo Tam Hải có hơn 65 ha rừng ngập mặn; trong đó có hơn 22 ha rừng trồng mới với các loại cây như: đước, mắm, bần. Nhiều diện tích nuôi tôm trên cát không được kiểm soát trước đây nay đã trở thành những rừng dương liễu tươi tốt, vừa để chắn gió, chắn cát trong mùa mưa bão, vừa là lá phổi xanh của cộng đồng cư dân trên đảo.

Sau hơn 10 năm tích cực bảo vệ và trồng mới rừng, đến nay, diện tích rừng ngập mặn của xã đảo Tam Hải chiếm gần 2/3 diện tích rừng ngập mặn trong toàn huyện. Mô hình trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng ngập mặn nhằm bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững của xã đảo Tam Hải tiếp tục được huyện Núi Thành nhân rộng trong thời gian tới.

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm