Rừng ngập mặn – carbon xanh

Với tổng diện tích khoảng 200 nghìn ha (chỉ chiếm 1,5% tổng diện tích rừng quốc gia) nhưng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá rừng ngập mặn của Việt Nam không những có giá trị về kinh tế - xã hội, bảo tồn đa dạng sinh học mà còn là bể hấp thụ và chứa carbon lớn, góp phần đáng kể trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

vna_potal_bao_ve_rung_rung_ngap_man_phu_xanh_pha_tam_giang_-_cau_hai_7398726.jpg
Khu rừng ngập mặn trên phá Tam Giang – Cầu Hai ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

* Nguồn carbon xanh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rừng ngập mặn của Việt Nam phân bố chủ yếu ở địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển; trong đó, khu vực Nam Bộ, Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ chiếm 97%.

Được sự hỗ trợ từ Dự án thực hiện cam kết khí hậu: Từ cam kết đến hành động thực hiện tại vùng châu Á – Thái Bình Dương, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp với Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng phương pháp đo đếm và tính toán lượng carbon rừng ngập mặn. Dự án đã tính toán thí điểm cho rừng ngập mặn tại thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh và Cà Mau. Các khu vực được lựa chọn đại diện cho 6 vùng sinh thái của Việt Nam là Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

vna_potal_bao_ve_rung_rung_ngap_man_phu_xanh_pha_tam_giang_-_cau_hai_7398733.jpg
Khu rừng ngập mặn trồng cây bần chua xanh tốt trên phá Tam Giang – Cầu Hai ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Kết quả cho thấy, trữ lượng carbon từ rừng ngập mặn của Việt Nam khoảng 245 tấn/ha. Trong đó, trung bình lượng carbon trong sinh khối của thực vật sống (gồm cả phần thực vật sống trên mặt đất và phần rễ dưới mặt đất) chỉ chiếm 29%, còn lại 71% nằm trong đất dưới tán rừng ngập mặn (độ sâu khoảng 30cm). Kết quả thử nghiệm đo đếm xác định trữ lượng carbon tại 6 tỉnh đại diện đã xác định lượng carbon tại ô mẫu; xác định lượng carbon trung bình theo loài cây, trạng thái rừng. Từ số liệu để xác định lượng carbon theo đơn vị hành chính, điển hình của Quảng Ninh khoảng trên 3 triệu tấn, Thành phố Hồ Chí Minh 15,7 triệu tấn, Cà Mau 12,7 triệu tấn.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, việc đánh giá khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng ngập mặn sẽ là cơ sở khoa học cho công tác quản lý nhà nước về giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn; cung cấp thông tin cho việc đàm phán quốc tế trong các chương trình thực hiện cắt giảm khí nhà kính. Nguồn thu từ bán carbon sẽ hỗ trợ thêm cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện sinh kế cho người dân vùng rừng ngập mặn.

vna_potal_no_luc_phuc_hoi_“vanh_dai_xanh”_rung_ngap_man_ung_pho_voi_bien_doi_khi_hau_o_nam_trung_bo_7411535.jpg
Cánh rừng ngập mặn trên đảo Hoa Lan, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn được bảo tồn phát triển xanh tốt, tạo hệ sinh thái đa dạng. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN

Cà Mau là tỉnh ven biển ở cực Nam của Việt Nam có vị trí địa lý rất đặc biệt với 3 mặt tiếp giáp biển. Với tổng diện tích gần 50,5 nghìn ha, rừng ngập mặn Cà Mau là một trong những diện tích rừng ngập mặn lớn nhất thế giới với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, độc đáo. Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam thực hiện nghiên cứu “Lượng giá hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau”. Kết quả nghiên cứu cho thấy hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Cà Mau đóng góp rất lớn từ giá trị sử dụng trực tiếp (cung cấp thức ăn, gỗ, củi, du lịch) đến giá trị sử dụng gián tiếp (dịch vụ điều tiết, lưu trữ và hấp thụ carbon, vẻ đẹp cảnh quan) và giá trị bảo tồn.

Tổng giá trị kinh tế rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau mang lại là 1.743,7 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị sử dụng trực tiếp là 1.087,6 tỷ đồng/năm (chiếm 62,4%); giá trị sử dụng gián tiếp là 656,1 tỷ đồng/năm (chiếm 37,6%). Tỷ lệ này sẽ tiếp tục thay đổi khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai trên cả nước với quy định các đơn vị phát thải lớn phải chi trả cho dịch vụ lưu trữ và hấp thụ carbon của rừng. Khi đó giá trị lưu trữ và hấp thụ carbon của rừng ngập mặn sẽ tính thành giá trị sử dụng trực tiếp.

* Bảo vệ nguồn tài nguyên quý

Nhận thức rõ rừng ngập mặn là nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, đặc biệt là tại các địa phương có rừng, Việt Nam luôn đề cao vai trò, giá trị của rừng ngập mặn và không ngừng tăng cường chính sách quản lý rừng.

Tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Đề án đặt mục tiêu quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 – 2030; phấn đấu đến năm 2030 sẽ trồng mới khoảng 20.000 ha rừng, đồng thời bổ sung phục hồi rừng và làm giàu 15.000 ha.

vna_potal_bao_ve_rung_rung_ngap_man_phu_xanh_pha_tam_giang_-_cau_hai_7398731.jpg
Khu rừng ngập mặn trên phá Tam Giang – Cầu Hai ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Những nỗ lực bảo vệ, nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế của rừng ngập mặn ven biển tại Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

“Tái sinh rừng ngập mặn - Khóa dấu chân Carbon” là thông điệp Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và đối tác là Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia truyền tải trong dự án “Cánh rừng Net Zero” khoanh nuôi, tái sinh 25ha rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Dự kiến trong 6 năm (bắt đầu từ tháng 8/2023) sẽ có khoảng 100.000 - 250.000 cây mắm được trồng trong vùng lõi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Tổng đầu tư của Vinamilk cho dự án là 4 tỷ đồng gồm các hoạt động phục vụ việc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng, các chương trình nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư sống trong và ven Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Dự kiến với 25ha rừng ngập mặn, trong điều kiện sinh trưởng bình thường, có thể hình thành nên bể hấp thụ từ 17.000 đến 20.000 tấn carbon, tương đương 62.000 đến 73.000 tấn carbon quy đổi (CO2e).

Ở 6 tỉnh ven biển Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau, 4.260 ha rừng ngập mặn được trồng bổ sung, phục hồi và trồng mới là kết quả của Hợp phần tái sinh rừng ngập mặn thuộc Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng cư dân ven biển tại Việt Nam” (dự án GCF). Dự án do Quỹ Khí hậu xanh, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam phối hợp thực hiện.

Được triển khai từ năm 2018, đến nay nhiều khu rừng của dự án đã khép tán, sinh trưởng và phát triển tốt, bắt đầu phát huy tác dụng, trở thành “bức tường xanh” phòng hộ, chắn sóng, bảo vệ đê biển, cải thiện sinh kế và đa dạng sinh học. Theo số liệu đo đếm đến tháng 6/2024, lượng giảm phát thải từ diện tích rừng ngập mặn của dự án đạt hơn 1,1 triệu tấn CO2 (mục tiêu dụ án là hơn 565 nghìn tấn). Phương pháp đo lường, tính toán lượng carbon do dự án xây dựng và áp dụng là cơ sở quan trọng để Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hoàn thiện phương pháp đo lường và tính toán trữ lượng carbon rừng ngập mặn, xây dựng Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật tạm thời xác định sinh khối và trữ lượng carbon rừng ngập mặn ven biển.

vna_potal_no_luc_phuc_hoi_“vanh_dai_xanh”_rung_ngap_man_ung_pho_voi_bien_doi_khi_hau_o_nam_trung_bo_7411517.jpg
Chăm sóc cây rừng ngập mặn ở đầm Ô Loan (Phú Yên). Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Mới đây, ngày 12/8, Báo Tiền Phong phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng phát động hưởng ứng bảo vệ rừng ngập mặn với thông điệp "Giấc mơ xanh". Báo Tiền Phong đã trao 2.600 cây trồng, gồm 1.300 cây bần chua và 1.300 cây trang cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng để trồng tại khu vực Bãi bồi ngoài đê đầm Việt Mỹ thuộc xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng). Đây là hai loài cây bản địa, có khả năng sinh trưởng và chống chịu tốt với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương.

Theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, tái sinh rừng ngập mặn có thể trở thành một giải pháp nhằm đạt được đồng thời cả mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu trong quá trình Việt Nam thực hiện cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết với quốc tế về biến đổi khí hậu.

Hoàng Vân

Có thể bạn quan tâm