Tỉnh Trà Vinh đang chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Mục tiêu của tỉnh phát triển rừng ngập mặn đến năm 2025 đạt diện tích khoảng 12.250 ha, đạt độ che phủ rừng 4,2%, tạo môi trường sinh thái tốt và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới biển.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh thực hiện kế hoạch trồng mới khoảng 656 ha rừng. Tỉnh tập trung thực hiện các biện pháp lâm sinh, triển khai trồng, phục hồi và bảo tồn các loại cây rừng ngập mặn vốn có. Tỉnh dành một nguồn kinh phí ước tính gần 40 tỷ đồng và huy động thêm nguồn lực để triển khai thực hiện các mô hình nông – lâm kết hợp hiệu quả để nhân rộng sản xuất, tăng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp đạt bình quân 2,5%/năm.
Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã có quy hoạch hơn 23.980 ha đất vùng ven biển để bố trí khoảng hơn 50% diện tích phát triển rừng, diện tích đất còn lại hơn 11.700 ha được bố trí dành cho nuôi trồng thủy sản… Song song với trồng mới diện tích rừng, tỉnh tiếp tục thực hiện giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng để vừa đảm bảo tăng tỷ lệ độ che phủ vừa tạo việc làm cho người dân lao động nông thôn có thu nhập ổn định.
Ước tính đến cuối năm 2023, diện tích rừng của tỉnh Trà Vinh được phát triển đạt hơn 9.600 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,1%. Hầu hết diện tích rừng của tỉnh đã được giao khoán cho tổ chức, hộ dân chăm sóc, bảo vệ kết hợp khai thác, nuôi trồng một số loài thủy sản phù hợp tăng thêm thu nhập.
Toàn tỉnh hiện có 49 tổ quản lý, bảo vệ rừng tại 14 xã trên địa bàn 8 huyện, thành phố với tổng số 147 thành viên. Nhờ giao khoán chăm sóc, bảo vệ nên đa dạng sinh học của rừng ngày càng phát triển. Nhiều năm qua, tình trạng phá rừng hay lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh không còn xảy ra.
Phúc Sơn