Nhân giá trị xanh từ trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ở Thanh Hóa

Rừng ngập mặn là sinh kế của nhiều người dân ở các xã ven biển huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn
Rừng ngập mặn là sinh kế của nhiều người dân ở các xã ven biển huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Với đường bờ biển dài 102 km, Thanh Hóa là địa phương đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan... đang hiện hữu ngày càng nhiều và rõ rệt hơn.

Nhân giá trị xanh từ trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ở Thanh Hóa ảnh 1Rừng ngập mặn là sinh kế của nhiều người dân ở các xã ven biển huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Nhờ các chương trình, dự án, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, đầu tư trong nhiều năm, đến nay hàng ngàn hecta rừng ngập mặn xanh mướt không chỉ giúp phục hồi môi trường biển, giảm thiểu rủi ro thiên tai, hạn chế xói lở bờ biển mà còn tạo kế sinh nhai bền vững cho hàng ngàn cư dân ven biển xứ Thanh.

Nga Sơn là 1 trong 6 địa phương ven biển của Thanh Hóa có dải rừng ngập mặn. Toàn tuyến biển nơi này dài khoảng 5 km chạy qua các xã Nga Tân, Nga Thủy, Nga Tiến, Nga Thái đều được phủ xanh bởi những rừng cây sú, vẹt, bần chua… “Bức tường xanh” nơi cửa biển này được trồng từ năm 1995 theo chương trình tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và liên tục được trồng xen và mở rộng bởi các chương trình, dự án. Dưới tán rừng ngập mặn là hệ sinh thái phong phú với tôm, cua, ốc, cáy... là nguồn sinh kế cho cư dân quanh vùng.

Là một trong những hộ dân tiên phong tham gia dự án trồng, phục hồi rừng ngập mặn, anh Phạm Văn Vịnh (xã Nga Liên, huyện Nga Sơn) đã nhiều năm gắn bó với rừng ngập mặn. Hiện tại, anh Vịnh đang tham gia dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển ở xã Nga Tân, huyện Nga Sơn. Mỗi tháng anh Vịnh có thu nhập đều đặn 5 triệu đồng từ việc tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng này. Chưa kể mỗi ngày, khi thuỷ triều xuống, anh Vịnh và gia đình còn bắt tôm, cua, cá… Trung bình mỗi ngày gia đình anh có thu nhập từ 300.000-400.000 đồng.

Anh Phạm Văn Vịnh chia sẻ: "Rừng ngập mặn ở các xã biển ở Thanh Hóa rộng từ 0,5-1 km, riêng dải rừng ngập mặn ở xã Nga Tân rộng từ 6-7 km. Tham gia trồng rừng ngập mặn, tôi nhận thấy trồng rừng đem lại nhiều hiệu quả, lợi ích cho dân và tạo môi trường sinh thái cho các loài thủy hải sản. Ngoài việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tôi và các hộ dân ở đây còn làm nghề đánh bắt thuỷ sản dưới chân rừng ngập mặn. Chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình, đó là không chặt cây rừng, không đánh bắt, không xâm phạm nơi có quy định cấm.”

Tương tự, anh Nguyễn Văn Tĩnh (xã Nga Tân, huyện Nga Sơn) cũng là một hộ dân được hưởng lợi từ hệ thống rừng ngập mặn. Anh Tĩnh cho biết: “Từ khi diện tích rừng ngập mặn ở Nga Tân được trồng nhiều hơn, hệ sinh thái ở đây đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, bà con chúng tôi đều nhận thấy điều đó. Không chỉ có cá, tôm về đây sinh sống, mà cả dải rừng này cũng đã bảo vệ xóm làng tránh được nhiều cơn bão lớn. Mỗi ngày vào rừng ngập mặn đánh bắt, gia đình tôi có thu nhập trên dưới 300.000 đồng, chưa kể những hôm trúng mùa, còn thu về cả triệu đồng mà không tốn chi phí ngư lưới cụ. Nhờ rừng ngập mặn, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập để lo cho con cái đến trường.”

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn cho biết, với hơn 343 ha rừng ngập mặn và hệ thống cây trưởng thành hàng chục năm tuổi được bảo vệ tốt nên diện tích rừng ngập mặn Nga Sơn được đánh giá là có sinh khối lớn bậc nhất tại Thanh Hóa hiện nay. Thảm rừng ven biển được bảo vệ, chăm sóc, hiện sinh trưởng, phát triển nhanh, phát huy hiệu quả chắn sóng, giữ phù sa, gia tăng các loài hải sản, thủy sinh sinh sống, tạo ra đa dạng nguồn lợi thủy hải sản, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư địa bàn có rừng.

Còn tại huyện Hậu Lộc, nhận thức được vai trò quan trọng của việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, nhiều năm qua, cấp chính quyền các xã ven biển của huyện Hậu Lộc đã thành lập các câu lạc bộ xung kích “vì màu xanh rừng ngập mặn”, phát huy sức mạnh của cộng đồng trong trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Nhờ đó, diện tích rừng ngập mặn tại huyện Hậu Lộc không ngừng tăng lên qua từng năm.

Theo ông Trịnh Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2005 đến nay, huyện Hậu Lộc được tiếp nhận nhiều dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế, các dự án của nhà nước và dự án của các đơn vị, doanh nghiệp giúp huyện phát triển dải rừng ngập mặn với diện tích hơn 500 ha. Hiện nay Hậu Lộc không còn tình trạng chặt phá rừng để nuôi trồng thuỷ sản. Vài năm gần đây, các hộ dân gần rừng ngập mặn đã phát triển thêm nghề nuôi ong lấy mật, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm mật ong rừng ngập mặn sú, vẹt đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của huyện. Thời gian tới, huyện sẽ xây dựng mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm xung quanh khu rừng sú, vẹt của xã Đa Lộc để người dân được hưởng lợi nhiều hơn nữa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, thông qua các chương trình dự án trồng rừng phục hồi môi trường đã tăng cường năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu cho cộng đồng dân cư dễ tổn thương nơi cửa biển tại 6 huyện ven biển Thanh Hóa. Trong số đó, dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển mà tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện từ năm 2021 đến nay đã trồng mới và phục hồi hơn 283 ha rừng ngập mặn tại các xã ven biển thuộc huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và Thị xã Nghi Sơn.

Bên cạnh đó, dự án đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình đường giao thông và kênh mương thủy lợi cho các địa phương, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, vừa phục vụ trực tiếp trồng rừng, vừa phục vụ thiết thực cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản... Việc trồng, chăm sóc diện tích rừng ngập mặn được giao cụ thể cho các hộ gia đình là người địa phương, nên người dân trực tiếp tham gia trồng rừng sẽ có thu nhập ổn định từ công trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Với những dải rừng ngập mặn trải dài theo triền đê biển, người dân ở các xã Nga Tân, Nga Thủy (Nga Sơn); Đa Lộc, Minh Lộc (Hậu Lộc)... đã triển khai thực hiện nhiều mô hình kinh tế dưới tán rừng như nuôi tôm sú kết hợp cua xanh, nuôi ong lấy mật... mang lại hiệu quả kinh tế.

Ông Mai Hữu Phúc, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đánh giá, chính quyền địa phương và người dân vùng dự án đã nhận thấy hiệu quả thiết thực của việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn. Những kết quả của dự án đã giúp địa phương và nhân dân vùng ven biển của tỉnh Thanh Hóa tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Thời gian tới, đối với diện tích rừng trồng ngành sẽ phối hợp với cộng đồng cư dân chăm sóc tốt, để rừng ngập mặn phát huy hiệu quả.

Đến nay, Thanh Hóa có trên 1.000 ha đất ngập mặn ven biển được phủ xanh bởi những cánh rừng sú, vẹt, đước, bần chua và hàng trăm ha rừng đang tiếp tục được triển khai trồng mới. Những giá trị xanh từ trồng và bảo vệ rừng ngập mặn cứ thế được nhân lên theo thời gian ở Thanh Hóa, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đất ngập nước và nâng cao đời sống cộng đồng dân cư ven biển.

Hoa Mai - Đình Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm