Để bảo vệ những khu rừng ngập mặn, tỉnh Bình Định kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm trái phép hệ sinh thái ở các khu vực hồ, đầm; đồng thời, tỉnh triển khai trồng và tích cực chăm sóc những cánh rừng trên nước, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Theo chân ông Trần Hữu Khánh, thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước về khu vực rừng ngập mặn Cồn Chim (xã Phước Thuận), chúng tôi ghi nhận những cánh rừng bần, đước nơi đây xanh tốt, vững chãi trước sóng nước, thủy triều của đầm Thị Nại.
Ông Khánh cho biết, ông cùng một số hộ dân tại thôn Diêm Vân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định (đơn vị được giao quản lý rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh) giao khoán bảo vệ 7 ha rừng ngập mặn tại khu vực Cồn Chim cách đây trên 10 năm. Diện tích rừng ngập mặn này cũng do chính ông và nhiều người dân trong xã nhận trồng. Đến nay rừng phát triển tốt, góp phần chắn sóng, chắn gió, giữ gìn được các bờ thửa, đất đai trong khu vực dân cư.
Theo ông Khánh, rừng ngập mặn tại khu vực Cồn Chim chủ yếu trồng các loại cây bần, đước. Khi mới trồng, các loại cây rất khó sống, ông Khánh phải chăm sóc kỹ, bảo vệ từng thân cây, cánh lá và rễ để cây bám vào đất, sinh trưởng tốt. Đến khi cây được 4-5 tuổi thì bị nhiều người chặt phá làm củi. Ông Khánh phải thường xuyên có mặt tại khu vực Cồn Chim để ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng.
Nhờ được chăm sóc và bảo vệ tốt trong thời gian dài nên hiện nay 7 ha rừng ngập mặt tại khu vực Cồn Chim phát triển bền vững. Nhiều thân cây có đường kính 15 cm, chiều cao trung bình 4-5 m, mỗi cây cách nhau 1 m. Nhiều loại chim, cò cũng về đây trú ngụ; các loại thủy sản sinh sôi, phát triển.
Ông Trần Hữu Khánh là một trong 8 hộ dân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định giao khoán bảo vệ rừng ngập mặn với mức hỗ trợ 300.000 đồng/ha/năm. Tổng diện tích rừng ngập mặn được Trung tâm giao khoán bảo vệ hiện nay là 48,91 ha. Thời gian trồng và chăm sóc thực hiện trong 5 năm đầu; sau 5 năm chuyển sang giai đoạn bảo vệ. Các hoạt động chăm sóc rừng gồm: dựng lại cây bị nghiêng ngã, tu sửa hàng rào bảo vệ rừng để ngăn chặn rong rác, thuyền bè và hoạt động khai thác thủy sản trong rừng trồng, vớt rong rác, lục bình.
Việc triển khai giao khoán bảo vệ rừng ngập mặn đã góp phần quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường; hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm; có tác dụng chắn sóng, gió. Rừng ngập mặn được bảo vệ tốt trở thành nơi cung cấp thức ăn, chỗ ở và nơi sinh sản cho nhiều loài cá, tôm, giáp xác và các loại chim và động vật có vú.
Để bảo vệ những cánh rừng ngập mặn nói riêng, hệ sinh thái tự nhiên và mặt nước khu vực rừng ngập mặn nói chung, tỉnh Bình Định kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm, tác động đến rừng.
Trước năm 2016, nhiều diện tích rừng ngập mặn bị người dân tự ý lấn chiếm, đắp bờ quây lưới trái phép để khai thác thủy sản gây thiệt hại cho rừng trồng. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã tổ chức cưỡng chế nhiều trường hợp vi phạm để bảo vệ hiện trạng rừng ngập mặn và môi trường tự nhiên. Hiện nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định thường xuyên tuần tra tại những cánh rừng ngập mặn để kịp thời phát hiện những hành vi xâm hại.
Cuối năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định quyết định xử phạt 3 hộ dân tại xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) đã tự ý lấn chiếm tổng cộng 6 ha diện tích mặt nước đầm Thị Nại để cắm cọc quây lưới bao nuôi thủy sản trái phép. Mỗi trường hợp bị phạt 350 triệu đồng và buộc khôi phục lại hiện trang ban đầu. Đến đầu tháng 2/2022, các cá nhân này đã khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu của mặt nước.
Theo ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Sơn, ngoài 3 hộ nêu trên, trên địa bàn xã còn một số trường hợp tự ý lấn chiếm mặt nước tại khu vực đầm Thị Nại để nuôi trồng thủy sản trái phép, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và những cánh rừng ngập mặn nơi đây. Địa phương đã làm việc với các hộ dân này để tuyên truyền, vận động khôi phục lại tình trạng ban đầu; những trường hợp lấn chiếm với diện tích lớn và không chịu khắc phục sai phạm sẽ báo cáo cấp trên để có giải pháp xử lý theo đúng quy định.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh (tính đến 12/2021) là 88,11 ha. Khu vực trồng rừng ngập mặn tập trung ở vùng bãi triều ven đầm Thị Nại (thuộc các xã Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận của huyện Tuy Phước; phường Nhơn Bình thuộc thành phố Quy Nhơn) và đầm Đề Gi (thuộc xã Mỹ Chánh của huyện Phù Mỹ và xã Cát Khánh thuộc huyện Phù Cát). Giống cây trồng rừng ngập mặn hiện nay chủ yếu là: bần trắng, mắm trắng, đước; mật độ trồng ban đầu 3.300 cây/ha. Hiện trạng đất quy hoạch cho phát triển rừng ngập mặn theo Quyết định số 610/QĐ-UBND ngày 30/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định là 441,4 ha.
Theo ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, hiện nay, các dự án phát triển đô thị, nhà ở và du lịch sinh thái tại huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn không ảnh hưởng đến diện tích rừng ngập mặn đã trồng phục hồi. Khi triển khai các dự án này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã kiến nghị giữ nguyên hiện trạng rừng ngập mặn đã trồng phục hồi, không làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển cây trồng.
Tường Quân