Phục hồi và phát triển rừng phòng hộ ven biển. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Đánh giá hiện trạng
Theo kết quả điều tra, khảo sát thực địa của nhóm các nhà khoa học Đỗ Quý Mạnh, Nguyễn Quốc Huy, Lê Văn Tuất thuộc Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình: Diện tích rừng ngập mặn tại khu vực Nam Trung Bộ trên 360ha (đất ngập mặn trên 465ha), phân bố tập trung ở vùng đầm, vùng cửa sông bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Thành phần loài thực vật đơn giản, chủ yếu là một số loài Mắm trắng, Mắm biển, Đước đôi, Bần chua và Bần trắng... nhưng thay đổi mạnh theo thời gian và không gian và do phương thức sử dụng…nên biến động lớn về diện tích và chất lượng. Vì vậy, việc đánh giá hiện trạng rừng ngập mặn khu vực Nam Trung Bộ là cần thiết, qua đó đề xuất các giải pháp tác động tích cực vào rừng ngập mặn, lựa chọn loài cây trồng, xây dựng bản đồ lập địa ngập mặn, trồng rừng ngập mặn trong điều kiện địa hình, khí hậu khó khăn và rất khó khăn hiện nay.
Khu vực ven biển Nam Trung Bộ có tổng chiều dài trên 1.200km, là nơi thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiên tai, gió bão, lũ lụt, sóng lớn, triều cường; đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu. Khu vực có đặc trưng khí hậu gió mùa mang tính chất cận xích đạo; chế độ thủy triều thuộc dạng chế độ nhật triều không đều. Độ cao thủy triều trong kỳ nước cường trung bình 1,2 - 2m và tăng dần về phía Nam.
Với đặc trưng địa hình dốc lớn, bị chia cắt nhiều, hàm lượng phù sa ít, độ mặn cao làm cho diện tích rừng ngập mặn khu vực Nam Trung Bộ kém phát triển hơn các khu vực khác. Nhất là biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát sinh, sinh trưởng và phát triển của rừng ngập mặn. Hiện tượng nước biển dâng kèm theo đó là thời gian ngập bãi tăng lên làm cho cây ngập mặn ngày một khó thích nghi hơn với điều kiện bãi bồi. Cùng với nước biển dâng là các hiện tượng gió bão, triều cường cũng tăng lên, mạnh mẽ hơn, công phá bờ biển nhiều hơn làm mất đi đáng kể bãi sinh trưởng của cây ngập mặn.
Theo Kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2016 cho khu vực ven biển Nam Trung Bộ, cuối thế kỷ 21 nhiệt độ ở khu vực này có thể tăng 1,6 độ C, 2-3 độ C, 2,5-3,7 độ C tương ứng theo kịch bản phát thải thấp, trung bình và cao. Lượng mưa hàng năm tăng phổ biến khoảng trên 6%, 2-7%, 2-10%; mực nước biển dâng tương ứng trong khoảng 49-64cm, 57- 73cm và 78-95cm. Do đó, việc lựa chọn loài cây phù hợp với sự thay đổi của điều kiện tự nhiên như nhiệt độ, lượng mưa, sự thay đổi mực nước biển...là vấn đề cần được nghiên cứu và có giải pháp phù hợp đối với khu vực Nam Trung Bộ.
Đề xuất giải pháp
Diện tích đất quy hoạch cho trồng rừng ngập mặn khu vực Nam Trung Bộ hiện tại là 824,59 ha. Cơ cấu đất ngập mặn của khu vực rất đơn giản, diện tích đất trống còn ít, lại tập trung ở các khu vực ngập triều sâu, sóng lớn, dải đất hẹp...thuộc dạng lập địa rất khó khăn và khó khăn. Diện tích đất trống tập trung chủ yếu ở Bình Định trên 448ha, Quảng Nam trên 12ha và Ninh Thuận 5ha. Thành phần loài cây ngập mặn trong khu vực ven biển Nam Trung Bộ bước đầu đã xác định được 21 loài, thuộc 12 chi và 10 họ thực vật. Số lượng các loài cây ngập mặn biến động lớn. Các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Nam có số lượng trên 15 loài thực vật ngập mặn. Trong khi đó thành phố Đà Nẵng, tỉnh Phú Yên chỉ bắt gặp được 4 đến 5 loài thực vật ngập mặn. Điều này có thể nhận thấy đa dạng loài cây ngập mặn ở những vùng này rất nghèo nàn. Chỉ có những loài như Đước đôi, Mắm biển, Cóc trắng,...đều có hầu hết trong khu vực. Điều này cho thấy biên độ sinh thái của 3 loài này khá rộng, sinh trưởng trên nhiều dạng lập địa khác nhau.
Các loài Mắm biển, Cóc trắng và Đước đôi trong khu vực thuộc loại sinh trưởng trung bình và kém, nguyên nhân do đặc điểm đất về lý hóa tính trong khu vực thuộc loại đất nghèo dinh dưỡng, lượng phù sa bồi tụ hàng năm không được giữ lại, đất có hàm lượng dinh dưỡng các chất như đạm, lân, kali thuộc loại nghèo. Vì vậy cần có giải pháp để cải tạo đất, giữ lượng phù sa bồi tụ hàng năm, chống rửa trôi và xói mòn bề mặt thể nền.
Mặt khác, một số diện tích rừng ngập mặn ở tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đã và đang bị một số loài động vật gây hại, làm suy giảm và gây chết rừng ngập mặn hàng chục ha, như khu vực đầm Thị Nại (Bình Định). Qua khảo sát đánh giá, các nhà khoa học Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình bước đầu xác định được loài sinh vật gây hại rừng Bần trắng trên 3 năm tuổi là một loài Giáp xác chân đều, thuộc lớp mai mềm có tên khoa học là Sphaeroma terebrans Bate, 1866, thuộc họ Sphaeromatideae, bộ Chân đều Isopoda. Đây là một vấn đề mới cần được quan tâm nghiên cứu, để lựa chọn ra giải pháp hữu hiệu trong phòng trừ sinh vật gây hại rừng ngập mặn trong khu vực này.
Trên cơ sở lựa chọn 7 tiêu chí phân chia lập địa ngập mặn cho khu vực, bao gồm loại đất ngập mặn, độ mặn nước biển, thời gian phơi bãi, độ thành thục của đất, tỷ lệ phần trăm hạt cát, cao trình đất ngập mặn, hiện trạng rừng và đất ngập mặn. Các nhà khoa học đã xác định được diện tích của từng nhóm dạng lập địa ngập mặn khu vực ven biển Nam Trung Bộ có 3 nhóm. Đó là khu vực có điều kiện rất thuận lợi, khu vực có điều kiện thuận lợi và khu vực có điều kiện khó khăn.
Theo đó, nhóm lập địa I (rất thuận lợi) là dạng bãi triều đang được bồi tụ nên trồng Mắm biển, Đước đôi, Bần trắng. Nhóm lập địa II (thuận lợi) dạng bãi triều xói mặt trồng Mắm biển, Mắm trắng, Đước đôi. Đồng thời, cần phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật lâm sinh như chọn loài, kỹ thuật trồng, chăm sóc kết hợp với các giải pháp về thủy lợi như xây dựng tường mềm giảm sóng, tạo bãi phù hợp, sau đó tiến hành trồng và chăm sóc rừng ngập mặn thì mới có khả năng thành công.
Văn Hào