Trồng rừng ngập mặn ở vùng cửa sông. Ảnh :Nguyễn Văn Lý - TTXVN |
Từ năm 2015 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế trồng cây tập trung được 421,2 ha/455,7 ha, đạt 92,4% so với kế hoạch; trong đó, 255 ha rừng trồng trên cát, 125 ha rừng trồng ngập mặn và 41,2 ha rừng trồng ngập ngọt. Hiện diện tích rừng trồng trên cát sinh trưởng tốt và phần lớn đã qua giai đoạn kiến thiết cơ bản; nhiều diện tích đã khép tán, có khả năng thành rừng. Diện tích rừng trồng ngập ngọt đang trong thời kỳ chăm sóc, tuy một phần diện tích bị ảnh hưởng do đợt nắng hạn kéo dài từ tháng 1-8/2019 làm cây bị chết, sinh trưởng kém. Diện tích rừng trồng ngập mặn sinh trưởng tốt, nhiều diện tích ở Hương Phong (thị xã Hương Trà), Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) đã khép tán thành rừng bước đầu phát huy được chức năng về phòng hộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, tạo hệ sinh thái bãi giống, bãi đẻ cho các loài thủy sản phát triển. Đáng chú ý, diện tích trồng rừng ngập mặn ở Rú Chá (Hương Phong) phát triển từ 3,14 ha lên gần 20 ha, Quảng Lợi lên 45,57 ha. Ngoài các lợi ích về thủy sản, ở đây còn hình thành nên các mô hình du lịch sinh thái trên vùng đầm phá Tam Giang, nâng cao hiệu quả rừng trồng. Về trồng cây phân tán, đến nay, dự án trồng rừng ngập mặn đã cung cấp được 528.370 cây ngập mặn tương đương với 160 ha rừng trồng phân tán cho các xã trong vùng trồng rừng. Trong số đó, cây phân tán được trồng tại ao nuôi thủy sản của các hộ dân sinh trưởng phát triển tốt, góp phần chống sạt lở, hạn chế tác động của sóng, bão lũ, bảo vệ ao nuôi trồng thủy sản, bờ phá, bờ sông, giảm được kinh phí tu bổ đê bảo vệ hàng năm. Việc trồng cây ngập mặn phân tán còn tạo ra các vành đai xanh xung quanh ao nuôi thủy sản, là nơi trú ẩn và cung cấp một nguồn thức ăn cho các loài tôm, cua, cá,… thu hút nhiều loài chim về trú ngụ; tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế. Hiện tại, Thừa Thiên - Huế đã tạo ra được bộ giống thích hợp như cây sú, vẹt, đước và cây mắm để phát triển trồng rừng ngập mặn. Quỹ quốc tế bảo vệ động vật hoang dã (WWF) cũng đã tài trợ cho Thừa Thiên - Huế 711 triệu đồng xây dựng vườn ươm cây giống phục vụ việc trồng rừng ngập mặn trên địa bàn. Riêng xã Hương Phong, thị xã Hương Trà đã tiến hành ươm thành công 16.000 cây các loại như đước vòi, vẹt khang, sú, bần, mắm. Số cây giống này vừa phát triển trồng rừng tập trung; trong đó có 11.000 cây phát triển thêm diện tích rú chá, còn lại là trồng cây phân tán để bảo vệ các tuyến đê bao ngăn mặn, đường giao thông xung yếu, các vùng đất dễ bị xói lở và trồng từ 5-7 ha ao nuôi thủy sản kết hợp với môi trường sinh thái… Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Nguyễn Thị Thu Hương, việc mở rộng diện tích rừng trồng ngập mặn rất khả thi. Qua khảo sát một số địa phương cho thấy, người dân có nguyện vọng được chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản trong môi trường rừng ngập mặn. Nếu người dân nuôi thủy sản trong hệ sinh thái rừng ngập mặn sẽ giúp vật nuôi phát triển tốt hơn, ít bệnh tật và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân ở các vùng có diện tích rừng ngập mặn mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi tôm trong thời gian tới. Ông Phạm Ngọc Dũng - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thực nghiệm mô hình nuôi trồng thủy sản trong rừng ngập mặn đã cho thấy hiệu quả kinh tế tốt hơn. Khi chưa có rừng, người dân thả nuôi 5 vạn tôm với sản lượng 50 con/kg. Còn khi đã hình thành rừng, sản lượng khoảng 32 con/kg nhờ có thảm thực vật phong phú hơn. Tận dụng nguồn thực vật phù du trong hệ sinh thái rừng, người dân chỉ cần dùng 30% khối lượng thức ăn cho tôm so với trước đây. Điều đó khẳng định, tôm nuôi trong rừng ngập mặn to hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục nghiên cứu, mở rộng diện tích rừng trồng ngập mặn với tiêu chí liên tục, liền thửa nhằm hình thành hệ sinh thái rừng ngập mặn có diện tích lớn, là lá phổi xanh cho tỉnh Thừa Thiên - Huế; trong đó, chú trọng vào các địa điểm có độ mặn cao để kết hợp, tạo điều kiện cho người dân nuôi trồng thủy sản. Nhiều người cho rằng, tỉnh cần khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư hình thành hệ thống giao thông đường thủy để phục vụ người dân phát triển thêm các loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái...
Quốc Việt