Rừng ngập mặn tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) như một vành đai xanh, giảm thiểu tác động của nước biển dâng, xâm thực; ngăn sóng, chống bão, lũ và bảo vệ hành lang đê biển; tạo điều kiện phát triển môi trường, hệ sinh thái vùng ven biển. Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng đó, ngành Kiểm lâm, cơ quan chức năng và người dân các xã ven biển, bãi ngang đã thực hiện nhiều biện pháp chung tay bảo vệ rừng ngập mặn.
Rừng ngập mặn tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) được triển khai trồng từ năm 1994, do Dự án “trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ và “Dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển” triển khai năm 2018, do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Đến nay, huyện Diễn Châu có gần 270 ha rừng ngập mặn, tập trung chủ yếu tại 8 xã ven biển, bãi ngang.
Về các xã ven biển huyện Diễn Châu, dọc hai bên bờ sông Bùng dài gần 10 km (qua địa bàn các xã Diễn Vạn, Diễn Bích, Diễn Kim) trước khi đổ ra cửa biển Lạch Vạn là bạt ngàn màu xanh của rừng ngập mặn. Với tốc độ phát triển và phủ xanh nhanh chóng, từ năm 1999, rừng ngập mặn ở các xã ven biển, bãi ngang đã đạt độ cao từ 2,5 đến hơn 6 m, tạo nên những “thành lũy” kiên cố, vững chãi chắn sóng, gió bão, bảo vệ đê các tuyến đê xung yếu rất hiệu quả. Rừng ngập mặn đã tạo nên hệ sinh thái xanh, sinh cảnh đa dạng và địa bàn trú ẩn cho các loài chim di cư. Theo thống kê, vùng rừng ngập mặn huyện Diễn Châu đã có gần 30 loại chim cò, bò sát, tôm, cua trú ngụ, sinh sôi. Hệ sinh thái này đã cung cấp nguồn lợi thủy, hải sản dồi dào, tạo sinh kế cho hằng trăm hộ dân làm nghề đăng, chài, thả vó, lưới trên sông.
Là một trong 8 xã vùng ven biển, bãi ngang của huyện Diễn Châu, xã Diễn Kim có tuyến đê biển, ngăn mặn dài gần 4 km. Dọc chân đê, bãi triều được phủ xanh bởi gần 150 ha rừng ngập mặn. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, nhờ có rừng ngập mặn bảo vệ, hàng nghìn hộ dân sinh sống trong tuyến đê không phải lo lắng khi mùa mưa bão đến, triều cường dâng cao, nước biển làm vỡ đê, hoặc tràn qua đê làm ngập làng, xóm, hủy hoại hoa màu, tàn phá nhà cửa. Rừng ngập mặn ở các xã Diễn Kim, Diễn Bích… được cơ quan chức năng đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh, đẹp nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Điều này có được bởi những năm qua, cấp ủy chính quyền địa phương và người dân luôn nêu cao ý thức bảo vệ rừng.
Ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Diễn Kim cho biết, địa phương đã ban hành quy chế bảo vệ rừng ngập mặn. Hiện tại, địa phương có 7 người chia làm 3 tổ bảo vệ, trực tiếp trông coi, bảo vệ rừng. Được thường xuyên vận động, tuyên truyền, ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng rất tốt. Địa bàn xã không còn tình trạng người dân chặt cây sú vẹt để làm củi đun, hoặc xâm hại đến rừng ngập mặn trong quá trình nuôi, trồng thủy sản. Hằng năm, địa phương luôn tổ chức trồng xen canh những diện tích chưa có cây ngập mặn để tôn dày, khép kín toàn bộ diện tích và mở rộng thêm. Trong năm 2023, toàn xã đã trồng mới được gần 4 ha rừng ngập mặn.
Là xã bãi ngang, thuần ngư, Diễn Bích có 40 ha rừng ngập mặn phủ khắp các bãi triều, bao bọc 2,7 km tuyến đê biển ngăn mặn. Nhiều năm trước, tại địa phương này, tình trạng người dân xả rác thải ngoài chân đê thường diễn ra, khiến cây bần, cây sú vẹt bị chết, kém phát triển do ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng đó, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể: Phụ nữ, Thanh niên, Nông dân xây dựng những mô hình, cách làm hay thu gom rác thải, dọn vệ sinh hằng tuần để làm xanh, sạch tuyến đê biển, bảo vệ môi trường và rừng ngập mặn.
Ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho biết, nhận thức về công tác bảo vệ rừng ngập mặn của người dân trên địa bàn rất tốt, nhất là bà con thuộc các xóm Quyết Thắng, Chiến Thắng ở gần tuyến đê biển. Tình trạng xả rác trên tuyến đê đã giảm rõ rệt. Đặc biệt, người dân trong xã không chặt cây sú vẹt về làm công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi, không săn bắt bẫy chim, cò trong mùa chim di cư. Người dân khai thác, đánh bắt thủy sản trong môi trường rừng ngập mặn nâng cao ý thức, không để hoạt động khai thác xâm hại đến rừng ngập mặn.
Ông Nguyễn Duy Khánh, Hạt Phó Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu cho biết: Rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Diễn Châu được trồng dọc ven biển từ sông Lạch Vạn đến Cửa Hiền, trải dài hơn 20 km. Rừng ngập mặn trên địa bàn các xã ven biển nơi đây luôn được trồng mới, mở rộng diện tích. Công tác bảo vệ rừng ngập mặn luôn được lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay thực hiện. Đầu năm, Hạt kiểm lâm đều xây dựng phương án bảo vệ rừng nói chung, rừng ngập mặn nói riêng trên địa bàn huyện; trong đó chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ, bảo vệ rừng. Hằng tháng, lực lượng Kiểm lâm huyện xây dựng kế hoạch, phối hợp với cán bộ lâm nghiệp các xã ven biển, bãi ngang, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Diễn Thành (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) tổ chức tuần tra, kiểm tra bằng đường bộ, đường thủy để bảo vệ rừng, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp chặt tỉa, xâm hại rừng ngập mặn. Hiện nay, rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Diễn Châu ngày càng sinh sôi, phát triển tốt.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 82 km đường bờ biển, trải dài qua địa phận hơn 140 xã, phường của 6 huyện, thị trấn. Để bảo vệ và phát triển diện tích rừng ven biển, năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”. UBND tỉnh giao cho các địa phương và các đơn vị quản lý tiến hành tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch, tổng hợp chỉ tiêu nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng ven biển hằng năm và từng giai đoạn 5 năm, từ các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025, theo các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững…
Theo kế hoạch này, Nghệ An sẽ tiến hành rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ba loại rừng gắn với rà soát quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; xác định quỹ đất, hiện trường dành cho bảo vệ và phát triển rừng ven biển, đảm bảo khả thi, ổn định lâu dài. Việc rà soát quy hoạch là căn cứ xem xét thu hồi đối với những diện tích đất thuộc hành lang an toàn bảo vệ đê, diện tích quy hoạch trồng rừng ven biển bị lấn chiếm, sử dụng trái phép, diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả để khôi phục và trồng rừng theo quy định.
Xuân Tiến