Được trồng năm 1997, đến nay, toàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã có gần 500 ha rừng ngập mặn, tập trung nhiều tại các xã vùng ven biển, bãi ngang. Đây là kết quả từ Dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ và Dự án "Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển - FMCR” triển khai năm 2018 do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Hàng chục năm qua, rừng ngập mặn đã giảm thiểu sự tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm thực; ngăn sóng, chống bão bảo vệ hành lang đê biển; phát triển môi trường, hệ sinh thái vùng ven biển.
Người dân thoát khỏi nạn “chạy” bão
Hơn 20 năm trước, hàng ngàn hộ dân thuộc các xã vùng ven biển huyện Diễn Châu như Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Ngọc…luôn thấp thỏm lo âu khi mùa mưa bão đến. Đặc biệt, phía gần sát đê biển, vào mùa mưa bão, triều cường dâng cao, nước sông, nước biển tràn qua đê làm ngập làng, xóm, hủy hoại hoa màu, tàn phá nhà cửa. Trong lịch sử, đã có không ít lần chính quyền địa phương phải khẩn tốc sơ tán, di dời người, vận chuyển đồ đạc, tài sản của người dân đến những vùng an toàn với quy mô lớn để “chạy” bão. Ký ức của không ít người dân xã Diễn Bích chưa quên được những lần chạy bão như vậy.
Anh Thái Bá Thanh (sống ở khu vực gần đê biển của xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích) cho biết, những năm 1980, cứ mỗi lần nghe có bão lớn sắp đổ bộ vào đất liền là trước đó một vài ngày, người dân trong khu vực vận chuyển đồ đạc, mang theo quần áo, lương thực…di dời vào trong làng tá túc ở nhà người quen, họ hàng ở nơi cao hơn để tránh bão, nước dâng. Các trường học, trạm xá trở thành nơi để nhiều hộ dân tìm đến trú ẩn trong những ngày bão đổ bộ đất liền. Dù nhiều năm trôi qua, nhưng thế hệ của anh khó quên được hình ảnh người dân trong làng mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc, vật dụng, khiêng gánh vật nuôi để chạy bão. Người già thì được người khỏe mạnh cõng đi trong mưa gió gào rít. Gia đình nào có ao nuôi cá vất vả hơn khi phải tháo cạn ao, bắt hết cá để đưa đến những nơi cao hơn và nuôi tạm trong những am, bể chứa nước. Công việc chằng níu, gia cố nhà cửa hoàn tất thì những người cuối cùng trong xóm cũng phải di chuyển đến những nơi an toàn để tránh hiểm nguy khi bão vào.
Theo ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích, là xã bãi ngang, toàn bộ diện tích gần 3 km2 với 8 xóm của xã được bảo vệ bởi chiều dài 2,7 km tuyến đê ngăn mặn. Bao bọc quanh xã là những luồng lạch và sông Lạch Vạn nối ra cửa biển. Địa bàn cách bờ biển theo đường chim bay chưa đến 1 km. Do vậy, địa phương phải hứng chịu trực tiếp sự thiệt hại mỗi khi có gió to, bão lớn. Vòng cung đê biển của xã khi chưa có vành đai bảo vệ của rừng ngập mặn luôn tiềm ẩn nguy cơ xói mòn, sạt lở dẫn đến vỡ đê khi bị sóng lớn tấn công. Thực tế đã có nhiều trận bão, nước biển dâng cao cùng với gió lớn làm đê vỡ, ngập lụt nhà cửa, ao nuôi gây thiệt hại lớn đến kinh tế của người dân.
Anh Hoàng Văn Hùng (xóm Chiến Thắng, xã Diễn Bích) kể lại, vào năm 1982, người dân xã Diễn Bích đã phải hứng chịu trận bão lịch sử. Nước biển dâng cao, tràn qua đê nhanh chóng nhấn chìm nhiều khu dân cư vùng thấp của xóm Chiến Thắng, Quyết Thắng. Trong năm 1987, người dân xã Diễn Bích lại đối mặt với cảnh “bão chồng bão”, chỉ trong vòng 5 ngày hai trận bão số 7, số 8 với sức gió giật mạnh cấp 11, 12 đã gây nên ngập lụt nhiều ngày. Nhiều gia đình sinh sống ở vùng thấp xóm Quyết Thắng đã rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” khi làng xóm bị nhấn chìm trong nước, nhiều ngôi nhà bị hư hại, đổ sập. Sóng biển dâng cao, va đập mạnh, liên hồi làm tuyến đê sụt lún, xói lở và gây vỡ đê tại hai đoạn, mỗi đoạn dài hàng chục mét. Cao điểm, mực nước dâng tại trung tâm xóm Quyết Thắng lên đến hơn 1,5m. Sau trận bão, hơn một nửa diện tích đất của xã thuộc các xóm Hải Bắc, Quyết Thắng, Chiến Thắng, Quyết Thành bị ngập, nhiễm mặn. Hàng chục héc-ta diện tích sản xuất muối, ao cá, vườn của người dân bị hư hại. Phải mất nhiều tháng sau đó, sản xuất mới được củng cố trở lại.
“Với tốc độ phát triển và phủ xanh nhanh chóng, năm 2000, rừng ngập mặn (sú vẹt) có độ tuổi 3 đến 4 năm, độ cao từ 2,5 đến 6m tạo nên những “thành lũy” kiên cố, vững chãi chắn sóng, gió bão bảo vệ đê hiệu quả. Trong các năm 2011, 2012 tuyến đê biển tại nhiều xã ven biển, trong đó có xã Diễn Bích được sửa chữa, xây đắp, kiên cố hóa chân đê thêm vững chãi. Cuộc sống của người dân ở khu vực ven biển ổn định nhờ được che chắn từ rừng ngập mặn và đê. Người dân không còn lo “chạy” bão, chứng kiến những trận bão to, gió lớn hoành hành, đe dọa xóm làng”, anh Hoàng Văn Hùng cho biết.
Phát triển kinh tế trong “vành đai” của rừng ngập mặn
Ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho hay, chạy dọc hai bên bờ sông Bùng, sông Lạch Vạn dài gần 10 km qua địa bàn các xã Diễn Vạn, Diễn Bích, Diễn Kim, Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) đổ ra cửa biển là bạt ngàn màu xanh của rừng ngập mặn. Những cánh rừng ngập mặn trên địa bàn xã Diễn Bích, Diễn Kim và khu vực giáp cửa biển Lạch Vạn được đánh giá là rừng ngập mặn phát triển mạnh, đẹp nhất trên địa bàn tỉnh. Rừng ngập mặn tạo nên vòng cung chắn sóng, bao bọc đê, bảo vệ khu dân cư trong mùa mưa bão. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn tạo nên hệ sinh thái xanh, sinh cảnh đa dạng và địa bàn trú ẩn cho các loài chim di cư như cò, vạc…Rừng ngập mặn còn là nơi cung cấp nguồn lợi thủy, hải sản như cua, tôm, cá tạo dồi dào, tạo sinh kế cho người dân. Hàng trăm hộ dân các xã Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Bích làm nghề đăng, chài, thả vó lưới trên sông Lạch Vạn để khai thác tôm, cua, cá...
Xã Diễn Bích có 80 héc-ta rừng ngập mặn. Nhờ có rừng, trên sông Lạch Vạn hình thành bến bãi, âu thuyền, khu neo đậu an toàn cho hàng trăm tàu, thuyền đánh bắt hải sản. Các công trình cầu, cống, vùng chuyên canh nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng được rừng bảo vệ giúp người dân yên tâm đầu tư, phát triển kinh tế bền vững...Theo chính quyền xã Diễn Bích, nghề nuôi trồng thủy sản trong vành đai bảo vệ của rừng ngập mặn chiếm gần 20% cơ cấu kinh tế của xã.
Anh Phan Văn Chung (xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích)chia sẻ, từ năm 1992 gia đình anh nuôi vịt đàn. Khi rừng ngập mặn phát triển tốt, không còn lo bão lũ ảnh hưởng, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng cải tạo hồ đầm, mua trang thiết bị máy móc chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích hồ nuôi hơn 2 héc-ta. Mỗi năm nuôi 2 vụ, từ tháng 3 đến tháng 6 và từ tháng 9 đến tháng 12. Nghề nuôi tôm từ nhiều năm qua trở thành nghề tạo thu nhập chính cho cả gia đình anh.
Theo ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Diễn Kim (huyện Diễn Châu), toàn xã có gần 200 héc-ta rừng ngập mặn được bảo tồn, phát triển tốt. Nhiều năm qua, rừng ngập mặn đã chắn sóng, chắn cát bay, bảo vệ tuyến đê biển dài hơn 2 km và tạo thành vành đai an toàn đối với nhà cửa, ruộng vườn, ao nuôi, trang trại của người dân sinh sống trong đê biển. Trong vành đai của rừng ngập mặn, hàng trăm héc-ta diện tích đồng muối của diêm dân, những cánh đồng trồng dâu nuôi tằm của người dân luôn được bảo vệ an toàn trong mùa mưa bão.
Để bảo vệ và phát triển diện tích rừng ven biển, đầu năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, UBND tỉnh giao các địa phương và các đơn vị quản lý tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch, tổng hợp chỉ tiêu nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng ven biển hàng năm và từng giai đoạn 5 năm từ các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 theo các Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững…
Xuân Tiến