Nuôi ong dưới tán rừng ngập mặn thu đến 300 triệu đồng/vụ ở Nam Định

Thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7, khi mùa hoa sú đã qua, hoa vẹt nở rộ cũng là lúc những người nuôi ong tại Vườn quốc gia Xuân Thuỷ tiến hành thu hoạch mật (quay mật). Với hàng trăm đàn ong, mỗi vòng quay mật, các chủ ong thường phải thuê thêm từ 7-10 lao động địa phương, làm việc từ sáng sớm đến gần trưa trong khoảng 2-3 ngày.

vna_potal_nguoi_dan_nam_dinh_lam_giau_duoi_tan_rung_ngap_man_7463465.jpg
Công đoàn lấy cầu ong trong thùng để chuẩn bị quay mật. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Lượng, chủ nuôi ong tại Vườn quốc gia Xuân Thuỷ cho biết, buổi sáng hôm nay ông tiến hành quay mật cho khoảng 270 đàn ong, dự kiến sẽ thu được gần 1 tấn mật, số mật này đến chiều sẽ có thương lái đến tận nơi thu mua. Từ đầu vụ đến nay, ông đã có 2 vòng quay mật. Vòng đầu tiên là vụ hoa sú đã thu về được gần 2 tấn mật, dự kiến đến hết vụ hoa vẹt ông Lượng sẽ quay được 2-3 vòng mật nữa.

Theo ông Lượng, vụ hoa sú năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, hoa nở ít, không đều, ong lấy được ít mật nên năng suất mật kém hơn so với mọi năm. Bước vào đầu vụ hoa vẹt, nắng cũng kém nên hoa chưa nở rộ, song giá mật ong lại đang có xu hướng nhích lên từ 8-10 nghìn đồng/lít, hiện nay các chủ ong đang bán cho thương lái với giá 100 nghìn đồng/lít.

vna_potal_nguoi_dan_nam_dinh_lam_giau_duoi_tan_rung_ngap_man_7463456.jpg
Mật ong rừng ngập mặn có chất lượng cao, sạch và thơm ngon bổ dưỡng. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Mùa hoa sú, vẹt năm nay nhóm nuôi ong của ông Phạm Văn Chính đưa khoảng 2.000 đàn ong về đặt dọc theo con đường vào vùng lõi của Vườn quốc gia Xuân Thuỷ để lấy mật hoa. Cây sú, vẹt là một loại cây mọc ở ven biển, đặc tính sống nửa nước và nửa cạn, hoa sú vẹt nở tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, ong rừng ngập mặn luôn cho chất lượng mật tự nhiên, mật ong không những sạch, thơm mà còn rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe.

Ông Phạm Văn Chinh cho hay, nếu hoa nở đều, trung bình khoảng nửa tháng các chủ ong tại đây sẽ quay được mật. Tuy nhiên, năm nay ít hoa, từ đầu vụ tới giờ ông mới có 3 lần thu hoạch mật với sản lượng khoảng trên 5 tấn, hy vọng từ nay đến hết tháng 8, thời tiết ủng hộ, hoa nở rộ, lượng mật sẽ nhiều hơn.

Vườn quốc gia Xuân Thuỷ trải dài trên 5 xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Mỗi năm có trên 20 chủ ong đưa từ 5.000 - 6.000 đàn ong về khai thác mật. Khi vào mùa hoa sú, vẹt nở cũng là dịp những người thợ nuôi ong lại tất bật với công việc làm giàu từ loài hoa đặc trưng của rừng ngập mặn. Ngoài giá trị về kinh tế cho người nuôi ong, nghề quay mật cũng đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

vna_potal_nguoi_dan_nam_dinh_lam_giau_duoi_tan_rung_ngap_man_7463473.jpg
Người nuôi ong khai thác mật. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Chị Đặng Thị Nhung, xã Giao Thiện cho biết, vào mùa hoa sú, vẹt có rất nhiều người làm nghề quay mật cho các chủ ong tại đây, trung bình mỗi ngày làm việc từ 5h đến 10h sáng, công lao động khoảng 300 nghìn đồng/người/ngày. Tổ đội quay mật của chị Nhung mới được thành lập từ năm 2023 với 7 thành viên, mỗi tuần tổ nhận quay mật cho khoảng 2 chủ ong, tính ra được 4 ngày công, đây tuy là nghề phụ nhưng lại cho thu nhập khá cao, chỉ làm việc nửa ngày, còn lại vẫn làm được việc khác.

Trước tiềm năng và hiệu quả kinh tế của nghề nuôi ong lấy mật từ rừng ngập mặn, những năm qua Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy đã triển khai dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Mật ong rừng sú, vẹt Vườn Quốc gia Xuân Thủy" để xây dựng cơ chế quản lý, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho các hộ khai thác kinh doanh cũng như hỗ trợ phát triển thương mại, nâng cao chất lượng cho sản phẩm.

Theo ông Vũ Quốc Đạt, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy, những năm qua rừng ngập mặn đã tạo sinh kế bền vững cho các chủ ong và người dân địa phương. Theo đánh giá, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi hộ nuôi ong tại đây có thu nhập từ 200-300 triệu đồng cho vụ thu hoạch. Để bảo bảo chất lượng mật ong, Ban quản lý Vườn đã ban hành các quy định khai thác mật theo quy chuẩn, đồng thời khuyến khích người nuôi, các chủ cơ sở chế biến áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng mật.

vna_potal_nguoi_dan_nam_dinh_lam_giau_duoi_tan_rung_ngap_man_7463463.jpg
Công đoạn quay mật (thu hoạch mật ong). Ảnh: Công Luật - TTXVN

Những năm gần đây, sản phẩm mật ong rừng sú, vẹt đã được cải thiện về mặt chất lượng thông qua việc trang bị máy hạ thủy giúp mật đặc hơn, hàm lượng thủy phần thấp hơn, mật không bị sủi bọt, không bị chua và có thời gian bảo quản lâu hơn. Mặt khác, các chủ cơ sở mật ong đã chú trọng xây dựng nhãn hiệu, bao bì sản phẩm được thiết kế đẹp mắt, mẫu mã đa dạng đã giúp giá trị thương hiệu được nâng cao, thị trường sản phẩm được mở rộng.

Ông Lê Văn Huấn, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thuỷ cho hay, hiện đã có 2 sản phẩm mật ong sú, vẹt được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, cùng với các thị trường truyền thống, mật ong rừng sú, vẹt hiện nay đã được tiếp cận với các kênh bán hàng online, các sàn thương mại điện tử và tại các hội chợ thương mại… tạo cơ hội quảng bá, xúc tiến thương mại, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi ong.

Công Luật

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm