Tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số từ cây cà phê ở huyện Hướng Hóa

Tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số từ cây cà phê ở huyện Hướng Hóa
Niên vụ cà phê 2018 - 2019, huyện miền núi Hướng Hóa có hơn 5.000 ha cà phê; trong đó, có 4.500 ha cà phê cho thu hoạch, 500 ha cà phê còn lại mới được tái canh; tập trung ở các xã như Hướng Phùng, Hướng Tân, Hướng Linh, Hướng Sơn, Tân  Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Húc.

Đây là vùng tập trung đông đồng bào Pa Cô, Vân Kiều sinh sống. Tuy thời tiết năm nay hạn hán kéo dài, xuất hiện nhiều diện tích cà phê bị héo lá, khô cằn, lụi dần và chết cháy, nhưng nhờ thực hiện nhiều giải pháp chống hạn nên năng suất cà phê ở Hướng Hóa vẫn đạt 12 tấn/ha.

Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa cho biết, chia sẻ với những khó khăn của người trồng cà phê, địa phương đã và đang vận động các doanh nghiệp thu mua, chế biến cà phê trên địa bàn huyện tích cực thu mua cà phê cho bà con.

Theo tính toán của các hộ trồng cà phê, với giá cả thị thị trường như hiện nay là 6.000 đồng/kg cà phê tươi, mỗi héc-ta cà phê cho 12 tấn quả sẽ thu về 72 triệu đồng. Sau khi trừ đi tất cả các chi phí như: phân bón, công hái, công làm hết khoảng 45 triệu đồng, người dân còn lãi được khoảng 27 triệu đồng/ha. Với 4.500 ha cà phê kinh doanh, niên vụ 2018 - 2019, người trồng cà phê ở Hướng Hóa có doanh thu 324 tỷ đồng, trừ chi phí lãi trên 121 tỷ đồng.

Để đảm bảo uy tín chất lượng, thương hiệu của cà phê Arabica của Hướng Hóa, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận đồng người dân không được thu hái quả xanh, không được trộn tạp chất... Cà phê là cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và thời tiết ở Hướng Hóa.

Do đó, huyện miền núi Hướng Hóa luôn coi cà phê là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Vì thế, để tạo điều kiện cho bà con bảo toàn diện tích cây cà phê hiện có và chuyển đổi những diện tích canh tác các loại cây kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây cà phê, vào đầu mỗi niên vụ cà phê, mỗi ha cà phê trồng mới và tái canh, người dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ 50% cây giống, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê.

Ngoài ra, để tạo thêm điều kiện cho bà con canh tác, mở rộng cây cà phê trong thời gian chờ cây khép tán cho quả, chính quyền địa phương hỗ trợ các hộ trồng xen các loại cây như: gừng, nghệ... để có thêm thu nhập.
 
Trịnh Bang Nhiệm

Có thể bạn quan tâm