Sóc Trăng mở rộng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Sóc Trăng mở rộng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Thực hiện tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; trong đó, xác định các cây, con chủ lực để tập trung ưu tiên đầu tư.

Sóc Trăng mở rộng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ ảnh 1 Mô hình thử nghiệm liên kết sản xuất đậu nành tại ấp Tân Thới, xã Tân Hạnh (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Qua đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả cho nhà nông.

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học và đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hiệu quả sử dụng đất được nâng lên, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 207 triệu đồng năm 2021, tăng 130 triệu đồng so với 10 năm trước. Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Theo đó, diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao được mở rộng nhanh chóng, đến nay tỉnh tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, đặc biệt nhóm giống lúa ST; trong đó, có ST24, ST25 là các giống lúa cho gạo được công nhận ngon nhất, nhì thế giới), diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao các loại đạt 240.107 ha, chiếm hơn 73,24% diện tích trồng lúa hiện nay.

Đối với cây ăn trái, hiện tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 28.500 ha, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ xây dựng 17 mô hình “Xây dựng vùng trồng đạt tiêu chuẩn cấp mã số (mã code) phục vụ xuất khẩu” tại các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Tính đến cuối năm 2021 đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp tổng cộng là 75 mã số vùng trồng vú sữa 22 mã số, bưởi 13 mã số, xoài 24 mã số, nhãn 16 mã số, với diện tích 497,01 ha/541 hộ tham gia. Xây dựng được 4 chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm gồm vú sữa, bưởi, nhãn, xoài.

Từ năm 2018 đến nay, đã liên kết tiêu thụ được trên 3.000 tấn cây ăn trái, giúp cho nông sản tỉnh nhà được nhiều thị trường trong nước trên thế giới biết đến; trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ 493,816 tấn vú sữa, sang thị trường châu Âu 60 tấn bưởi, 13 tấn xoài, 8 tấn thanh nhãn, còn lại trên 2.000 tấn bưởi và 163,02 tấn vú sữa được tiêu thụ thị trường siêu thị trong nước, giá trị trái cây xuất khẩu tăng gấp nhiều lần so với tiêu thụ nội địa.

Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đang tiếp tục hướng tới triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để hướng tới nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững. Mới đây, UBND tỉnh đã thông qua Dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh Sóc Trăng sẽ đầu tư trên 67,6 tỷ đồng để triển khai thực hiện Đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đề án sẽ triển khai thực hiện trên các loại cây trồng như cây lúa; cây ăn trái chủ yếu là các loại cây ăn trái đặc sản như nhãn xuồng, thanh nhãn, bưởi da xanh, xoài cát chu, mãng cầu gai, sầu riêng Ri6, dừa dứa, vú sữa tím, chanh không hạt); rau màu (gồm hành tím, tỏi, rau các loại). Diện tích triển khai sẽ được thực hiện ở cả 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Đối với chăn nuôi, dự án sẽ phát triển trên bò giống thịt, dê giống thịt; trên thủy sản, thực hiện nuôi tôm càng xanh, tôm sú, cá đồng. Đối tượng thực hiện là ở các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tham gia sản xuất hữu cơ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng: mục tiêu của dự án là liên kết 4 nhà trong phát triển nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh và thực hiện theo mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Dự kiến, giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Sóc Trăng sẽ xây dựng 32 điểm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn chứng nhận trong nước và quốc tế với diện tích khoảng 210 ha; phấn đấu nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp từ 1,2-1,4 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Định hướng đến năm 2030 nhân rộng diện tích và áp dụng trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác và 100% sản phẩm sản xuất hữu cơ được quảng bá, bao tiêu sản phẩm.

Để thực hiện đạt hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giải pháp của tỉnh Sóc Trăng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực cho người nông dân tham gia mô hình; tổ chức đào tạo, tập huấn về nông nghiệp hữu cơ cho người thực hiện mô hình; hỗ trợ các hoạt động tư vấn để xây dựng mô hình đánh giá chứng nhận; hỗ trợ chi phí chứng nhận hữu cơ đối với 32 mô hình thực hiện. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và tăng cường công tác quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ cho người sản xuất...

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm