Việc sử dụng côn trùng làm thực phẩm và ẩm thực đã được người tiêu dùng đón nhận như ở Nhật Bản, Canada và một số nước châu Âu. Trong bối cảnh nhu cầu lương thực trên thế giới vẫn tăng, nhất là khi hoạt động sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn bởi các điều kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra, nguồn thực phẩm làm từ côn trùng có hàm lượng dinh dưỡng tốt và không ảnh hưởng đến môi trường đã nhận được mối quan tâm.
Theo báo Business Times của Singapore, ngày 8/7, Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore (SFA) đã chấp nhận việc sử dụng khoảng 16 loại côn trùng làm thực phẩm tiêu dùng, trong đó gồm nhiều loài dế, châu chấu và nhộng.
SFA đưa ra quyết định trên sau một thời gian trì hoãn cấp phép sử dụng côn trùng làm thực phẩm.
Vào năm 2022, SFA bắt đầu tiến hành khảo sát lấy ý kiến người dân về các quy định cho phép sử dụng 16 loại côn trùng làm thực phẩm. Đến tháng 4/2023, cơ quan trên thông báo sẽ thông qua việc sử dụng 16 loài côn trùng làm thực phẩm tiêu dùng vào nửa sau năm 2023. Đến cuối tháng 1/2024, SFA cho biết sẽ đưa ra khung pháp lý liên quan đến vấn đề này vào nửa đầu năm 2024.
Ngay cả trước khi SFA đưa ra quyết định trên, một số nhà hàng ở Singapore đã bắt đầu chuẩn bị thực đơn có sử dụng côn trùng. Chẳng hạn như nhà hàng và quán bar Fura cho biết sắp đưa vào thực đơn danh mục đồ uống và thực phẩm từ côn trùng. Tương tự, chuỗi nhà hàng House of Seafood cũng có ý định triển khai 30 món ăn từ côn trùng khi SFA cho phép sử dụng côn trùng làm thực phẩm.
Trong khi đó, một số công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chế biến và sản xuất thực phẩm từ côn trùng cho biết họ sẽ "nhảy vào" thị trường ẩm thực của Singapore một khi SFA áp dụng khung pháp lý cho vấn đề này.
Morus - công ty khởi nghiệp của Nhật Bản chuyên nghiên cứu và phát triển thực phẩm mới giàu protein - cho biết đã lập kế hoạch để quảng bá tại Singapore 3 sản phẩm của mình được sản xuất từ con nhộng, trong đó có bột trà xanh matcha có thành phần được chế biến từ nhộng.
Theo SFA, những công ty có kế hoạch nhập khẩu côn trùng để làm thực phẩm cho người hoặc gia súc đều phải đáp ứng các quy định của cơ quan này, bao gồm việc cung cấp bằng chứng tài liệu về việc sản phẩm được sản xuất tại cơ sở được quản lý với các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm và không phải là sản phẩm thu được từ đánh bắt tự nhiên.
SFA cho biết thêm, các loài côn trùng không có trong danh sách được phê duyệt của cơ quan này thì cần trải qua quá trình đánh giá để đảm bảo an toàn khi tiêu thụ.
Các công ty kinh doanh thực phẩm đóng gói sẵn có chứa côn trùng cũng sẽ phải dán nhãn bao bì theo quy định của SFA. Cơ quan này cho biết các sản phẩm côn trùng sẽ phải chịu sự kiểm tra và giám sát của SFA, bao gồm cả việc lấy mẫu để kiểm tra an toàn thực phẩm. Những sản phẩm bị phát hiện không tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm sẽ không được phép bán.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc từ lâu đã coi côn trùng là một loại thực phẩm thay thế mang tính bền vững hơn đối với nguồn thực phẩm là thịt các loại, vì côn trùng có hàm lượng protein cao và tạo ra lượng khí thải nhà kính thấp hơn khi nuôi.
Liên minh châu Âu hồi năm 2023 cũng đưa vào danh sách thêm 2 loài côn trùng được chấp nhận làm thức ăn cho con người. Tại Nhật Bản, một số nhà hàng cũng giới thiệu đến thực khách một số món ăn được chế biến từ côn trùng.
Nguyễn Hà