Sắp diễn ra chuỗi Triển lãm - Diễn đàn B2B ngành dệt may, da giày

Sắp diễn ra chuỗi Triển lãm - Diễn đàn B2B ngành dệt may, da giày
Chuỗi Triển lãm có sự tham gia và phối hợp của nhiều đơn vị tổ chức uy tín trong và ngoài nước như Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ VINEXAD (Bộ Công Thương), Công ty dịch vụ Thương mại và Tiếp thị Yorkers; Phòng Thương mại thiết bị may Quảng Đông, Hiệp hội Máy may Hong Kong (HKAMA)…
Khách tham quan các gian hàng máy móc thiết bị tại Hội chợ triển lãm Quốc tế Da-Giầy Việt Nam năm 2017 diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14/7/2017 ở Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh). Nguồn: Thanhuytphcm.vn
Khách tham quan các gian hàng máy móc thiết bị tại Hội chợ triển lãm Quốc tế Da-Giầy Việt Nam năm 2017 diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14/7/2017 ở Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh). Nguồn: Thanhuytphcm.vn

Bên cạnh đó, chuỗi triển lãm còn được sự hỗ trợ từ Chính phủ và các Hiệp Hội ngành công nghiệp, gồm: Hiệp Hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA),  Hội Dệt - Thêu - Đan Thành phố Hồ Chí Minh (AGTEK) và Hiệp hội Máy may Trung Quốc (CSMA).
 
Ông Phạm Đăng Khánh, Giám đốc Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ VINEXAD (Bộ Công Thương), cho biết chuỗi Triển lãm - Diễn đàn B2B gồm Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may - lần thứ 18 (VTG 2018); Triển lãm máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may (VitaTex); Triển lãm ngành công nghiệp da giày và nguyên phụ liệu tại Việt Nam (VFM) và Triển lãm ngành công nghiệp hóa chất dệt may tại châu Á lần thứ 8 (INTERDYE ASIA 2018).
 
Tính đến thời điểm hiện tại, chuỗi triển lãm thu hút hơn 400 đơn vị tham gia với hơn 600 gian hàng của hàng trăm thương hiệu nổi tiếng từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…

Trong đó, Triển lãm Quốc tế máy móc nguyên phụ liệu giày da (VFM) là nền tảng mới nhất với các thiết bị sản xuất giày dép, cũng như giới thiệu hàng loạt máy móc thiết bị như máy làm giày dép, máy đùn, máy làm da nhân tạo, hệ thống CAD/CAM, nguyên liệu giày dép… Triển lãm sẽ mang lại nhiều lựa chọn về các thành phần sản xuất trong chuỗi giá trị giày dép
 
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã đạt được một kỷ lục đáng nhớ trong nửa đầu năm 2018 khi doanh thu sản xuất và xuất khẩu ngành công nghiệp dệt may nằm trong top 5 trên thế giới. Doanh thu xuất khẩu đạt mốc 16 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng như Nike, Adiad, The North Face, Timberland, Columbia… đều do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
 
Ngoài ra, nhiều tập đoàn dệt may đã duy trì tăng trưởng ổn định thông qua việc hợp tác với các khách hàng hiện tại. Cùng với đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã sẵn sàng tạo ra các hiệu ứng tốt cho ngành dệt may.

Song song đó, Việt Nam là quốc gia năng động tại khu vực Đông Nam Á, khi đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là những điều kiện thuận lợi cho Việt Nam hướng đến đẳng cấp quốc tế cho ngành giày da Việt Nam.
 
Đối với lĩnh vực giày dép, theo thống kê, Việt Nam có hơn 700 nhà sản xuất với khoảng 1,5 triệu công nhân; trong đó hơn 200 doanh nghiệp nước ngoài đóng góp 70% vào doanh số xuất khẩu giày dép. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh trong khu vực về xuất khẩu giày dép với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD (năm 2011) đã tăng lên 13 tỷ USD trong vòng 6 năm và dự kiến đạt 20 tỷ USD trong năm 2018.
 
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Bình An, Tổng thư ký Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam cho hay, với các yếu tố tích cực trong năm 2018, cùng các lợi thế đến từ các Hiệp định Thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… có thể thấy được tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp dệt may tại Việt Nam. Đồng thời, Cộng đồng kinh tế ASEAN đang mang lại một cơ hội tốt cho Việt Nam hợp tác với các nước trong khu vực nhằm tìm kiếm nguồn nguyên liệu tốt hơn, hình thành dây chuyền cung ứng mới để nâng cao lợi thế cạnh tranh tại các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản….
 
Chính vì thế, việc tổ chức chuỗi Triển lãm - Diễn đàn B2B chuyên nghiệp nhất trong ngành dệt may là cách tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam nối kết với chuỗi công nghiệp dệt may quốc tế. Từ đó, góp phần củng cố vị thế của Việt Nam và khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trên thị trường dệt may toàn cầu./.
  Mỹ Phương
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm