Những chồi rau nhót tươi xanh mọc tự nhiên tại những cánh đồng muối huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
|
Đã hơn 10 năm xa quê vào TP. HCM định cư nhưng mỗi lần về Quỳnh Lưu, tôi đều được mẹ “biệt đãi” bằng món nộm rau nhót kẹp bánh đa đầy hoài niệm của tuổi thơ. Ngày đó, mỗi chiều khi cái nắng dịu đi và cũng là lúc công việc làm muối đã xong, tôi cùng lũ bạn nhỏ lại cầm chiếc nón hay mũ dạo quanh những mương nước để hái rau nhót. Đây cũng từng được xem là món “cải thiện” cho bữa ăn vẫn còn thiếu thốn của một thời thời gian khó.
Rau nhót được rửa sạch... |
Cái vị mằn mặn, bùi bùi và cảm giác sừn sựt trong miệng vẫn in đậm và theo tôi trong suốt những tháng ngày xa quê. Lá rau nhót có nhiều nét giống với cây hoa mười giờ, mọc rải rác trên cánh đồng muối mặn, ven các đầm lầy nước lợ và hồ tôm. Sinh trưởng và phát triển hoàn toàn trong môi trường tự nhiên nên đây là loại rau có vị rất đặc biệt, có lợi cho sức khỏe và được xem là một loại rau hữu cơ và sạch.
...sau đó được trộn lẫn với cà rốt, lạc rang, lá chanh... |
Tại Quỳnh Lưu quê tôi, rau nhót có ở khắp các xã trong huyện, đặc biệt tại Quỳnh Thuận, An Hòa, Sơn Hải và lan sang cả huyện Diễn Châu ở phía Nam.
..để thành món ăn dân dã nộm rau nhót và bánh đa. |
Món nộm rau nhót chế biến không quá khó. Rau sau khi được hái cho vào nước sạch ngâm chừng 1 tiếng đồng hồ. Rau được luộc cho chín rồi vớt ra, trộn đều với lạc rang, cà rốt, lá chanh, ớt cay, nước cốt chanh, chút đường, bột ngọt…dùng để ăn cùng với cơm, bún hoặc bánh đa.
Mùi vị mằn mặn, bùi bùi, sần sật của nộm rau nhót rất đặc trưng của món ăn dân dã đậm chất xứ Nghệ. |
Ngoài làm nộm, rau nhót còn được ăn ghém với cơm, bún hoặc bánh mướt, một loại bánh cuốn đặc trưng chỉ có tại vùng đất xứ Nghệ./.
Theo vietnam.vnanet.vn