Quảng bá thương hiệu mận Mộc Châu đến du khách

Quảng bá thương hiệu mận Mộc Châu đến du khách

Ngày 22/5, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La diễn ra Ngày hội hái quả năm 2022. Đây là sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu mận hậu Mộc Châu đến người dân, du khách trong nước và quốc tế.

Tại thung lũng mận Nà Ka, tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu - nơi tổ chức Ngày hội hái quả, từ sáng sớm, trong các vườn mận rộng hàng chục hécta, người dân và du khách thích thú khi được trải nghiệm việc hái mận và ăn mận ngay tại vườn.

Chị Trịnh Thị Huyền, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi được nghe kể nhiều về Ngày hội hái mận Mộc Châu nhưng vẫn rất tò mò. Năm nay, tôi thu xếp công việc cùng gia đình lên tham gia lễ hội. Tôi đã trực tiếp hái mận, được thưởng thức những quả mận chín mọng ngay tại vườn, đây là trải nghiệm rất thú vị và đáng nhớ”.

Quảng bá thương hiệu mận Mộc Châu đến du khách ảnh 1 Người dân tại huyện Mộc Châu tham gia phần thi hái mận. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Đến với Ngày hội, du khách còn được trải nghiệm các phần thi hái quả, trình bày và thưởng thức quả, tìm hiểu kiến thức về quả mận hậu Mộc Châu. Lễ hội góp phần tôn vinh những người trồng mận, giúp du khách hiểu rõ về nguồn gốc, kỹ thuật chăm sóc cây, chế biến quả mận hậu. Thông qua Ngày hội hái quả, người trồng mận cũng mong muốn thương hiệu mận Mộc Châu sẽ được nhiều người biết đến để từ đó tạo ra thị trường tiêu thụ thuận lợi, góp phần giúp người trồng mận yên tâm gắn bó với loại cây này.

Anh Hàng A Vạng, Phó Tiểu khu trưởng tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu bày tỏ: “Mận hậu là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập ổn định cho người dân tiểu khu với gần 300 ha, sản lượng đạt hơn 4.000 tấn quả. Trong đó, riêng khu vực thung lũng mận Nà Ka có 80 ha, đây là khu vực hàng năm được huyện Mộc Châu chọn làm điểm tổ chức Ngày hội hái quả. Vào mùa mận chín, ngày nào cũng có nhiều đoàn khách đến trải nghiệm, du khách được tự tay hái quả và thưởng thức những trái mận đỏ, chín mọng. Với giá bán hiện nay trung bình từ 15.000-60.000 đồng/kg, cây mận đã giúp cho nhiều hộ có thu nhập từ 350-700 triệu đồng/năm. Qua Ngày hội hái quả, người dân mong muốn quả mận hậu Mộc Châu ngày càng được nhiều người biết đến để có thị trường tiêu thụ rộng hơn”.

Quảng bá thương hiệu mận Mộc Châu đến du khách ảnh 2Các đội giới thiệu về mâm quả được xếp từ trái mận. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Việc tổ chức Ngày hội hái quả là hoạt động thường niên của huyện Mộc Châu từ năm 2014 tới nay, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm mận hậu Mộc Châu và tôn vinh những người trồng mận. Đồng thời, Ngày hội thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, tạo sự tương hỗ giữa phát triển nông nghiệp với du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch đến với Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.

Quảng bá thương hiệu mận Mộc Châu đến du khách ảnh 3 Khách du lịch trải nghiệm hái mận tại vườn. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu Nguyễn Thị Hoa cho biết: Ngày hội hái quả còn tạo cơ hội hợp tác giữa người trồng mận với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; huy động các nguồn lực của xã hội, xây dựng mận hậu Mộc Châu trở thành một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu và hấp dẫn. Qua các dịp tổ chức Ngày hội, cây mận và sản phẩm chế biến từ mận hậu Mộc Châu đang ngày càng được người dân và du khách trong nước, bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về miền đất, con người Mộc Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.

Quảng bá thương hiệu mận Mộc Châu đến du khách ảnh 4 Các đội tham gia phần thi ăn mận nhanh. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Cây mận hậu được trồng tại huyện Mộc Châu từ những năm 1980. Đây hiện là khu vực trồng mận hậu lớn nhất của cả nước với tổng diện tích hơn 3.200 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.400 ha; sản lượng năm 2022 ước đạt 28.000 tấn. Để giúp người dân tiêu thụ được sản phẩm ổn định, huyện Mộc Châu đã hướng dẫn người dân sản xuất mận theo hướng an toàn, hữu cơ; nâng cao chất lượng gắn với đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm