Quảng bá thương hiệu đặc sản dừa sáp Cầu Kè

Ngày 24/8, tỉnh Trà Vinh tổ chức Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu Lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024. Đây là lần đầu tiên tỉnh Trà Vinh tổ chức với quy mô cấp tỉnh nhằm quảng bá thương hiệu, đưa trái cây đặc sản dừa sáp của vùng đất Cầu Kè vươn xa.

vna_potal_cay_dua_sap_tao_nguon_thu_nhap_chinh_cho_nhieu_ho_khmer_7076978.jpg
Vườn dừa sáp 1,5ha của gia đình ông Thạch Chanh, xã Hoà Tân (Cầu Kè, Trà Vinh). Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN

Vùng đất Cầu Kè từ lâu nổi tiếng là xứ vườn trù phú nhất của tỉnh Trà Vinh. Những dãy đất cù lao ở huyện Cầu Kè như: Tân Qui I, Tân Qui II, cồn An Lộc,… bốn mùa quanh năm xum xuê cây trái. Trong số những trái cây đặc sản măng cụt, cam sành, bưởi năm roi, nhãn tiêu,… Cầu Kè còn có dừa sáp được rất nhiều người trong cả nước tôn vinh là "ông hoàng" của trái cây đặc sản.

Từ nhiều năm nay, người dân trồng dừa sáp ở huyện Cầu Kè rất vui mừng và kháo nhau rằng cây dừa sáp của quê mình đã lên ngôi, là "ông hoàng" của trái cây. Nhà vườn ở địa phương ví von như thế do chưa có loại trái cây nào có thể so sánh về số lượng, trọng lượng bán được giá cao như trái dừa sáp. Bình quân, một trái dừa sáp cân nặng từ 1,3 - 1,5 kg luôn có giá từ 120.000 - 150.000 đồng. Hơn thế, dừa sáp chưa bao giờ bị giảm giá mà cứ liên tục tăng, nhất là trong những dịp lễ, tết, ngày hội...

Có được một loại trái cây ngon độc nhất vô nhị, người dân Cầu Kè luôn thầm biết ơn đất trời đã tạo hóa nên thỗ nhưỡng thích hợp cho cây dừa sáp xanh tươi kết trái. Tất nhiên, mọi người cũng không quên ơn vị Hòa thượng Thạch Sô ở chùa Chợ, thị trấn Cầu Kè đã có công đưa cây dừa sáp từ đất nước chùa tháp về với vùng đất Cầu Kè. Theo lời kể của nhiều người cao niên, năm 1924, khi Hòa thượng Thạch Sô đi tu học giáo lí ở đất nước Campuchia được thưởng thức hương vị ngon lạ của trái dừa sáp, nên lúc trở về Hòa thượng Thạch Sô đã xin giống cây dừa này về trồng tại chùa.

Ở thập niên 80, trái dừa sáp cũng chỉ có giá trị như trái dừa thường. Bởi lẽ, chưa có ai biết, chưa ai từng thưởng thức, chế biến thành thức uống ngon lạ và hiển nhiên cũng không có thương lái nào mua. Hầu hết người dân địa phương khi nhân giống cây dừa sáp lúc bấy giờ chỉ để trồng vài cây để "ăn chơi, làm quà biếu". Nhưng vốn là "mỹ vị" nên dừa sáp được nhiều người dân giỏi nghề gia chánh chế biến thành nhiều loại thức uống nên hương vị độc đáo của dừa sáp nhanh chóng lan xa, được lòng thực khách.

Ở huyện Cầu Kè vào dịp Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm có nhiều điểm tổ chức Lễ Vu Lan thắng hội định kỳ, khách phương xa hành hương, tham quan về đây chiêm bái, thưởng ngoạn rất đông. Để phục vụ cho khách hành hương về món ăn, thức uống, một số hàng quán đã chế biến dừa sáp làm nước uống phục vụ du khách, như: sinh tố dừa sáp, dừa sáp dầm sữa đá, dừa sáp dầm trộn trái cây, dừa sáp trộn đường...

Độc đáo nhất là cách chế biến sinh tố dừa sáp, với ít cơm dẽo dừa sáp trộn với đá bào, thêm chút đường, sữa cho vào máy xay sinh tố, xay đến khi hỗn hợp nhuyễn mịn rồi cho ra ly thêm chút siro trái cây, vài lát dâu là có món sinh tố với hương vị béo ngậy, thơm ngào ngạt cho cảm giác lạ miệng vô cùng cuốn hút. Chính từ hương vị ngon lạ khó quên ấy mà thực khách khi thưởng thức xong và truyền tai nhau nên trái dừa sáp dần dần trở thành "ông hoàng" của trái cây như người dân Cầu Kè đã ví von hiện tại.

Trước sự hấp dẫn của hương vị và giá trị kinh tế của cây dừa sáp, năm 2006, các nhà khoa học Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Trà Vinh thực hiện dự án trồng dừa sáp theo qui trình VietGAP, sử dụng phương pháp thụ phấn trợ lực để tăng chất lượng và năng suất cho trái sáp trên buồng dừa cao hơn so cách trồng bình thường. Dự án hỗ trợ 20 hộ nông dân trồng 950 cây dừa sáp trên diện tích 6 ha. Đây được xem là một dự án "mở đường" cho người dân Cầu Kè phát triển loại cây trái đặc sản để cung ứng phục vụ cho ngành du lịch, góp phần nâng cao mức sống người dân địa phương.

vna_potal_cay_dua_sap_tao_nguon_thu_nhap_chinh_cho_nhieu_ho_khmer_7076981.jpg
Ông Thạch Chanh, xã Hoà Tân (Cầu Kè, Trà Vinh) thu hoạch dừa sáp. Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN

Anh Thạch Em, ở xã Hòa Tân là hộ được hỗ trợ thực hiện trồng dừa sáp theo qui trình VietGap cho biết, lần đầu tiên trong đời anh mới được biết trồng cây dừa theo khoa học (VietGAP), từ cách trồng, bón phân, chăm sóc,... đều ghi chép lại vào sổ sách để rút kinh nghiệm, hướng đến sản xuất an toàn, chất lượng.

Theo anh Thạch Em, thường dừa sáp được trồng 5 – 6 năm tuổi mới cho trái, nhưng nhờ trồng theo qui trình VietGAP chỉ 4 năm là cây cho trái. Được ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là thực hiện phương pháp thụ phấn trợ lực, dừa sáp cho tỷ lệ trái sáp tăng nhiều so với cách trồng truyền thống trước đây. Trung bình dừa sáp trồng theo cách truyền thống chỉ cho trái sáp từ 2 - 3 trái/ buồng, nhưng với ứng dụng khoa học kỹ thuật cây dừa cho trái từ 5 – 7 trái/ buồng.

"Khi cây dừa sáp ở giai đoạn từ 7 tuổi trở lên, bình quân một năm cho khoảng 120 - 150 trái. Với tỷ lệ dừa cho trái sáp đạt từ 40%, tính theo giá bán hiện nay, mỗi cây dừa sáp cho thu nhập trên 10 triệu đồng/ năm. Con số này nếu chỉ tính mức bình quân mỗi hộ dân trồng 50 cây dừa sáp, mức thu nhập không bao lâu sẽ đưa người trồng dừa sáp trở thành triệu phú. Còn nếu nhân cho số lượng hơn 1.145 ha; trong đó diện tích cho trái 824,90 ha đạt tổng sản lượng 3 triệu quả/năm hiện có của toàn huyện, có lẽ phải gọi Cầu Kè là "vùng tỉ phú dừa sáp" mới xứng", anh Thạch Em nhẩm tính.

Hiện nay, dừa sáp ở huyện Cầu Kè được chứng nhận đạt VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận công nhận thương hiệu cho Hợp tác xã Dừa sáp Hoà Tân. Đây là hợp tác xã đầu tiên chuyên trồng dừa sáp ở tỉnh Trà Vinh được chứng nhận sản xuất thực hành nông nghiệp tốt.

Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dừa sáp Hoà Tân cho biết, hợp tác xã có 53 thành viên, chuyên canh cây dừa sáp với diện tích 45ha dừa sáp, cho sản lượng trái mỗi năm khoảng 40 tấn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bánh kẹo tại huyện Cầu Kè chế biến thành công rất nhiều món ăn, thức uống từ dừa sáp độc đáo như: dừa sáp sợi; kẹo dừa sáp lá dứa; kẹo dừa sáp nguyên chất; kẹo dừa sáp cacao, mứt dừa sáp, cơm dừa sáp sợi, ữa chua dừa sáp sấy khô giòn tan, bánh Vicosap dừa sáp và khoai lang; bánh Vicosap dừa sáp và bí đỏ, bánh Vicosap dừa sáp và chuối,...Đây là yếu tố lạc quan cho nhà vườn trong huyện Cầu Kè, mạnh dạn chuyển đổi diện tích vườn kém hiệu quả sang trồng dừa sáp nâng cao thu nhập.

vna_potal_cay_dua_sap_tao_nguon_thu_nhap_chinh_cho_nhieu_ho_khmer_7076974.jpg
Đóng gói kẹo dừa sáp tại Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè. Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN

Theo ông Nguyễn Hoàng Khải, Bí thư Huyện ủy Cầu Kè, toàn huyện hiện có hơn 45.000 cây dừa sáp; trong số này có trên 37.000 cây đang cho trái. Trong chương trình kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 – 2025, huyện có kế hoạch phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch. Huyện đang tập trung nhiều nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nâng cấp các công trình giao thông, mời gọi doanh nghiệp và khuyến khích người dân mạnh dạn cải tạo vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trái đặc sản; trong đó cây trồng chủ lực là dừa sáp theo hướng an toàn, chất lượng.

Tại Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu Lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024, Ban tổ chức có tổ chức Hội thi chế biến 100 món ăn ngon từ dừa sáp để phục vụ cho khách từ khắp nơi về dự hội. Tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề về cây Dừa sáp để đánh giá thực trạng và tiềm năng cây dừa sáp bản địa Cầu Kè; kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư để phát triển cây dừa sáp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới nhằm nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế, đưa cây trái đặc sản dừa sáp tiếp tục, vươn xa hơn, giúp nông dân làm giàu cho gia đình./.

Phúc Sơn

Có thể bạn quan tâm