Phú Quốc kết hợp phát triển nghề nước mắm truyền thống với du lịch

Phú Quốc kết hợp phát triển nghề nước mắm truyền thống với du lịch

Giai đoạn 2022 - 2025, thành phố Phú Quốc phấn đấu bình quân sản xuất 12 triệu lít nước mắm/năm, kết hợp phát triển nghề truyền thống đặc trưng này gắn với phát triển du lịch.

Phú Quốc kết hợp phát triển nghề nước mắm truyền thống với du lịch ảnh 1Dây chuyền thiết bị đóng chai, dán nhãn hiệu nước mắm tại Công ty cổ phần Masan Phú Quốc, xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Cùng với từng bước quy hoạch lại làng nghề truyền thống, Phú Quốc triển khai thực hiện các đề án ứng dụng, máy móc thiết bị kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất chế biến nước mắm, hỗ trợ các nhà thùng nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng thu nhập cho người lao động.

Qua đó, các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển bền vững nghề truyền thống địa phương, thu hút du khách tham quan, du lịch và phát triển du lịch đảo ngọc Phú Quốc.

Tiếp đến, thành phố Phú Quốc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu nước mắm Phú Quốc trong và ngoài nước. Cụ thể là tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, tiếp thị và quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, trao đổi mua bán hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Ngoài ra, thành phố Phú Quốc phối hợp với các ngành chức năng tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ, khôi phục nguồn lợi cá cơm trên vùng biển; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác đánh bắt trên ngư trường kết hợp với tái tạo bền vững, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cá cơm cung ứng cho sản xuất chế biến nước mắm.

Phú Quốc kết hợp phát triển nghề nước mắm truyền thống với du lịch ảnh 2Du khách tìm hiểu sản phẩm nước mắm Phú Quốc tại doanh nghiệp Thành Khoa, xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng nhấn mạnh: Phú Quốc quy hoạch, phát triển, bảo tồn nghề sản xuất nước mắm truyền thống gắn với phát triển du lịch; quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất nước mắm và việc cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Hiệp hội nước mắm Phú Quốc hỗ trợ, hướng dẫn để các doanh nghiệp sản xuất thực hiện đúng quy định chế biến nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc. Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đào tạo lao động, thiết kế mẫu mã bao bì phù hợp với thị hiếu và tiện lợi của người tiêu dùng. Về tư vấn, hợp tác đầu tư và các vấn đề có liên quan cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp thông tin về thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong và ngoài nước...

Thành phố phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất nước mắm và các sản phẩm hàng nhái thương hiệu lưu thông trên thị thường sử dụng nhãn mác hàng hóa chỉ dẫn địa lý Phú Quốc bất hợp pháp và có các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, khó khăn, bất cập trong sản xuất nước mắm hiện nay là Phú Quốc đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn nguyên liệu do nạn khai thác chưa theo quy trình, ngư trường chưa được kiểm soát chặt chẽ, đánh bắt cá tràn lan, quanh năm, thậm chí khai thác ngay trong mùa sinh sản ảnh hưởng tiêu cực đến việc khôi phục bầy đàn, làm suy kiệt nguồn nguyên liệu cá cơm. Ngoài ra, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái nước mắm Phú Quốc trên thị trường… ảnh hưởng bất lợi đến uy tín, thương hiệu nước mắm Phú Quốc và sự phát triển của nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc.

Theo Phòng Kinh tế thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, năm 2021, thành phố biển đảo này sản xuất chế biến hơn 14 triệu lít nước mắm (30ºN), vượt trên 17% kế hoạch, tăng 7,2% so với năm 2020. Nước mắm Phú Quốc được bình chọn là một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Kiên Giang năm 2021.

Thành phố Phú Quốc hiện có hơn 60 doanh nghiệp, với khoảng 7.200 thùng ủ chượp cá cơm nguyên liệu chế biến nước mắm. Sản xuất chế biến nước mắm đảo ngọc Phú Quốc là nghề truyền thống hình thành và phát triển gần 300 năm được khẳng định là một sản phẩm đặc biệt của Việt Nam. Với điều kiện môi trường tự nhiên, nguyên liệu, quy trình sản xuất tạo nên hương vị đặc trưng riêng biệt của nước mắm Phú Quốc.

Bà Nguyễn Kim Chi, doanh nghiệp sản xuất nước mắm Thành Khoa, xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc chia sẻ: "Gia đình tôi đã 4 đời làm nghề sản xuất nước mắm truyền thống này và đang tiếp tục giữ vững phát triển. Nước mắm được chế biến từ nguyên liệu cá cơm, khai thác trên vùng biển Phú Quốc - Kiên Giang. Cá cơm sau khi đánh bắt được muối ngay trên tàu để cá đảm bảo tươi, độ đạm cao.

Sau đó, nguyên liệu cá đưa về ủ chượp trong thùng gỗ với quy trình kỹ thuật truyền thống của địa phương kết hợp bí quyết gia truyền của từng gia đình sẽ cho ra nước mắm có màu sắc, hương vị độc đáo riêng có của Phú Quốc được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm nước mắm Phú Quốc đã được châu Âu công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý và đóng nhãn hiệu này trên mỗi chai nước mắm khi đưa ra thị trường trong và ngoài nước."

Chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc đã được Ủy ban châu Âu (EC) ký quyết định cấp quy chế bảo hộ tại Liên minh châu Âu vào ngày 08/10/2012. Đây là sản phẩm nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tên gọi xuất xứ tại Liên minh châu Âu, khẳng định giá trị về văn hóa, lịch sử, kinh tế của nước mắm Phú Quốc trên thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, các cơ sở sản xuất nước mắm tại Phú Quốc tuân thủ các quy định về kiểm soát chất lượng, quy trình, bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định, an toàn cho người tiêu dùng.

Mặt khác, ngày 27/5/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công bố đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian nghề làm nước mắm Phú Quốc.

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đã và đang triển khai thực hiện hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị kỹ thuật tiên tiến cho doanh nghiệp sản xuất chế biến nước mắm để nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm Phú Quốc, nhất là hướng đến các thị trường xuất khẩu có yêu cầu cao.

Theo Trung tâm Khuyến công tỉnh Kiên Giang, quy trình sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp chế biến nước mắm ở Phú Quốc đều hướng đến tiêu chuẩn HACCP, an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Tỉnh sẽ triển khai đề án điểm để hỗ trợ một số cơ sở sản xuất chế biến nước mắm trong việc bảo vệ môi trường, chiết rót, phòng trưng bày, quảng bá sản phẩm nước mắm Phú Quốc.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chuyển đổi một phần sản xuất thủ công sang sử dụng máy móc, dây chuyền thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng tầm thương hiệu nước mắm Phú Quốc, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng. Sản phẩm nước mắm Phú Quốc hiện có mặt ở hầu hết hệ thống siêu thị, đại lý, chợ trên cả nước và được xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ và một số nước châu Á.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm