Phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm mùa mưa

Phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm mùa mưa

Hiện nay, khu vực phía Nam đang bắt đầu bước vào mùa mưa, đây là thời điểm dễ bùng phát nhiều dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: tiêm vaccine, khử khuẩn….

Phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm mùa mưa ảnh 1Để bảo vệ đàn lợn nuôi của gia đình, 2 ngày/1 lần ông Nguyễn Văn Tỏa, ngụ ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức phải tiến hành phun xịt, tiêu độc, khử trùng cho chuồng trại chăn nuôi của gia đình. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN    

Gia đình ông Nguyễn Văn Tỏa, ngụ ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức có gần 30 năm làm nghề nuôi lợn, hiện trong chuồng của gia đình ông lúc nào cũng có khoảng 100 con lớn lớn, nhỏ. Trong quá trình nuôi, gia đình ông Tỏa thường xuyên tiến hành vệ sinh, khử khuẩn, tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi bằng vôi bột và hóa chất. Đặc biệt, ông hạn chế đến mức tối đa người lạ vào khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình, vì sợ sẽ mang mầm bệnh đến cho đàn lợn nuôi. Chính vì vậy, nên khả năng phòng tránh dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng cao hơn.

“Gia đình tôi rất quan tâm thực hiện tốt các giải pháp an toàn sinh học, tiêu độc, khử trùng thường xuyên quanh khu vực trại chăn nuôi. Nếu như trước đây việc khử trùng được tiến hàng 1 tháng/lần thì hiện nay để an toàn việc khứ trùng chuông trại được nâng lên với 2 ngày/1 lần”, ông Tỏa cho hay.

Hơn 10 năm nuôi gà, với 7.500 con; trong đó, có hơn 3 năm nuôi gà bằng việc trộn thức ăn với các loại thảo mộc, ông Nguyễn Minh Lý, ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ luôn chú trọng đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, an toàn dịch bệnh là hàng đầu. Bởi ông ý thức được các loại dịch cúm gia cầm có thể tái phát, gây hại cho vật nuôi bất cứ lúc nào. Do đó, ông luôn chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm của gia đình mình.

Ông Lý cho biết, hiện đang là thời điểm nhạy cảm khi nhiều dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là thời điểm bước vào mùa mưa, rất dễ phát sinh dịch bệnh, chỉ cần người nuôi sơ suất nhỏ có thể bị thiệt hại rất nặng nề về kinh tế. Vì thế, để đảm bảo đàn gà nuôi phát triển tốt, ít phát sinh dịch bệnh, ông chủ động tiêm phòng vaccine theo định kỳ, tăng cường phun hóa chất khứ trùng, hạn chế tối đa người ra vào các khu nuôi để phòng tránh nguồn bệnh lây nhiễm.

Ngoài ra, trong đợt thả mới, ông chủ động tìm hiểu nguồn giống có xuất xứ rõ ràng, sửa chữa, dọn dẹp lại chuồng nuôi cho thông thoáng, sạch sẽ, khử trùng chuồng nuôi và phơi chuồng trong một thời gian. “Ngoài tiêm phòng, khử trùng, việc lựa chọn nguồn thức ăn cũng vô cùng quan trọng, không sử dụng các loại thức ăn dư thừa. Với cách nuôi gà bằng thức ăn thảo mộc cộng với ngô, cám nhiều năm nay của gia đình tôi cũng đã hạn chế rất nhiều dịch bệnh trên đàn gia cầm, tỷ lệ hao hụt của mỗi lứa nuôi cũng giảm đáng kể so với trước đây, chất lượng thịt gà được người tiêu dùng đánh giá cao.”, ông Lý chia sẻ thêm.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay, toàn tỉnh đang có trên 410.000 con lợn và gần 6 triệu con gia cầm. Để bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, từ đầu năm đến nay, chi cục đã tích cực phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều biện pháp ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh như: tiến hành phun hóa chất, rắc vôi bột để tẩy uế chuồng trại ở các khu vực chuồng trại chăn nuôi của người dân, các điểm tập kết, giết mổ…

Bên cạnh đó, tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi, chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho vật nuôi trước mùa mưa bão; đồng thời, thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi. Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, lợn tai xanh…, phải báo ngay cho cán bộ thú y hoặc khuyến nông viên cơ sở để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thu y cho biết, Chi cục đã có kế hoạch tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường sau 2 đợt tiêm phòng chính trong năm (đợt 1 vào các tháng 4-5; đợt 2 vào các tháng 10-11) và 1 đợt trước Tết Nguyên đán theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của UBND tỉnh.

Ngoài ra, các cơ sở chăn nuôi chủ động, tự túc vật tư, hóa chất thường xuyên thực hiện khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan Thú y. “Chi cục cũng thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống thú y cơ sở và lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch.... Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện các công tác phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi, nuôi an toàn dịch bệnh”, ông Trung chia sẻ thêm.

Hoàng Nhị

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm