Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng và bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên gia súc, ngành thú y Nghệ An đang tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh cấp bách thực hiện các giải pháp phòng chống dịch; trong đó có việc theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến của dịch bệnh, phát hiện kịp thời những ổ dịch đang và sẽ xuất hiện để bao vây, dập dịch.
Tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các địa phương và các ngành liên quan tổ chức hiệu quả việc kiểm dịch, ngăn chặn việc đưa gia súc từ địa phương có dịch vào tiêu thụ làm lây lan dịch.
Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, đối với dịch tả lợn châu Phi và dịch lở mồm long móng trên trâu bò thì tại nhiều địa phương trong tỉnh, ngành thú y và người dân, chính quyền địa phương đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, bệnh viêm da nổi cục trên bò là bệnh mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh, tốc độ lây lan bệnh nhanh. UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định cấp 2.000 lít hóa chất xuống cho các địa phương để tiến hành tiêu độc, khử trùng và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên gia súc.
Tại một số địa phương trong tỉnh Nghệ An, trong những tuần gần đây liên tiếp xuất hiện dịch bệnh trên gia súc.
Đơn cử, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 4 huyện là Đô Lương, Thanh Chương, Con Cuông, Quỳnh Lưu, Quế Phong; bệnh lở mồm long móng trên trâu bò xuất hiện tại huyện Quỳnh Lưu; bệnh viêm da nổi cục trên bò xuất hiện tại các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Diễn Châu, Tân Kỳ và tại thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai.
Riêng tại huyện Quế Phong, dịch tả lợn châu Phi tái phát trở lại tại 23 hộ chăn nuôi ở 4 xã Tiền Phong, Mường Nọc, Tri Lễ, Thông Thụ; tổng số lợn phải tiêu hủy 120 con.
Tỉnh Nghệ An hiện có tổng đàn trâu 268.990 con, đàn bò 486.220 con, đàn lợn 907.985 con. Tại Nghệ An việc phòng chống dịch đang gặp nhiều khó khăn, do địa phương có tổng đàn gia súc lớn, trong khi tại nhiều địa phương trong tỉnh, phương thức nuôi gia súc của người dân lạc hậu, chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm, thói quen, ít được đầu tư, chăm sóc; lực lượng thú y mỏng.
Mặt khác, hiện nay thời tiết đang vào giai đoạn chuyển mùa, là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên gia súc phát triển.
Nguyễn Văn Nhật