Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày trên địa bàn, chính quyền và người dân tỉnh Cao Bằng đã tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống rét, bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho đàn gia súc.
Gia đình ông Đàm Duy Báo ở xóm Nà Thin, xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng có 4 con trâu. Những ngày rét đậm, rét hại, gia đình ông luôn tuân thủ hướng dẫn của cán bộ khuyến nông trong công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc. Ông Báo cho biết, ngay từ đầu mùa đông, gia đình ông đã chủ động che chắn chuồng trại, trồng cỏ voi và tận dụng rơm, rạ sau khi gặt để làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu.
Huyện Trùng Khánh hiện có trên 35.000 con gia súc. Những năm gần đây, hiện tượng sương muối xảy ra thường xuyên khiến nhiều vật nuôi chết rét hoặc sút cân. Để hạn chế thiệt hại cho đàn gia súc, ngay từ đầu tháng 10, huyện Trùng Khánh đã triển khai công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã chủ động gia cố chuồng trại, không còn tình trạng buộc trâu bò qua đêm ngoài trời.
Ông Hà Minh Hải, Trường phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh cho biết, để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đói rét cho đàn gia súc trong mùa đông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện Trùng Khánh xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc; chủ động phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống rét cho gia súc. Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc đội ngũ cán bộ nông nghiệp phụ trách xã, trực tiếp hướng dẫn các hộ chăn nuôi khử trùng vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi.
Tại huyện Hà Quảng, công tác phòng chống rét cho gia súc cũng đã được các phòng, ban chức năng tăng cường triển khai. Ông Lưu Trọng Hính, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng cho biết, hiện nay tổng đàn trâu, bò toàn huyện Hà Quảng có trên 38.000 con; trong đó đàn trâu hơn 17.000 con, đàn bò trên 21.000 con. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện Hà Quảng ban hành công văn chỉ đạo tới các xã đẩy mạnh phòng, chống rét cho gia súc trong bối cảnh giá rét được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài.
Cũng như mọi năm, vụ đông xuân năm nay, huyện Hà Quảng tiếp tục duy trì hơn 300 ha diện tích trồng cỏ voi, tập trung nhiều ở các xã vùng cao Lục Khu. Bên cạnh việc phòng chống đói rét, các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với cơ sở và người chăn nuôi triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Thường xuyên thông tin, cập nhật tình hình thời tiết, dịch bệnh, giúp các địa phương và người chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn gia súc.
Hiện nay, tỉnh Cao Bằng có tổng đàn trâu, bò trên 211.000 con. Thời tiết mùa đông năm nay được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến khắc nghiệt, ngành chức năng tỉnh Cao Bằng đã đề nghị các địa phương sớm chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Ông Nông Chí Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cao Bằng cho biết, thói quen thả rông gia súc của đồng bào vùng cao là một trong những nguyên nhân khiến đàn trâu bò có thể gặp nguy hiểm khi thời tiết giá rét kéo dài. Thời tiết lạnh, khí hậu ẩm ướt cũng ảnh hưởng xấu đến đàn vật nuôi; là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên đàn phát sinh…
Để hạn chế thiệt hại cho đàn gia súc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cao Bằng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động người dân sửa chữa, củng cố hệ thống chuồng trại, không thả rông gia súc, chủ động tích trữ thức ăn trại cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cao Bằng cũng khuyến cáo trong những ngày giá rét, nhiệt độ xuống thấp người dân cần bổ sung thức ăn tinh để nâng cao sức khỏe gia súc; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và phun tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Chu Hiệu