Người dân xã Phước Trung (huyện Bác Ái, Ninh Thuận) di chuyển đàn cừu đến nơi còn nguồn thức ăn, nước uống để chăn thả. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Từ đầu năm đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều đồng cỏ ở huyện miền núi Bác Ái dần trở nên khô cằn, xơ xác. Để bổ sung thức ăn cho gần 500 con cừu, ông Đinh Văn Hùng, xã Phước Trung, huyện Bác Ái phải bỏ tiền mua một khối lượng rơm rạ, đào ao tích trữ nước. Đồng thời, mua một số thửa ruộng trong vùng chờ người dân thu hoạch ngô, đậu, lúa xong sẽ đưa đàn cừu vào chăn thả. Ông Hùng cho hay, đỉnh điểm mùa hạn năm ngoái chỉ trong vòng chưa đầy một tháng 20 con cừu lớn nhỏ bị suy kiệt vì thiếu thức ăn, nước uống rồi chết dần. Để đàn cừu đủ sức tồn tại trong những ngày nắng nóng gia đình phải mua cỏ tươi và rơm rạ, cộng thêm pha nước cám gạo để bồi dưỡng cho đàn cừu ăn cầm hơi, ước tính trong một tháng phải tốn hơn 20 triệu đồng. Rút kinh nghiệm, năm nay gia đình ông chủ động tích trữ thức ăn, nước uống để duy trì đàn cừu trong mùa hạn.
Người dân xã Phước Trung, huyện Bác Ái nhỏ thuốc chăm sóc mắt cho cừu. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Theo thống kê, tỉnh Ninh Thuận hiện có trên 490.414 con gia súc; trong đó, đàn gia súc có sừng 401.525 con, gồm: đàn trâu 3.891 con, đàn bò 120.435 con, đàn dê 135.189 con, đàn cừu 142.010 con. Đa phần các hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào đồng cỏ tự nhiên. Tuy nhiên, nguồn cỏ tự nhiên và các phụ phẩm của ngành trồng trọt hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu thức ăn cho đàn gia súc có sừng. Vào mùa khô, nguồn thức ăn và nước uống trở nên khan hiếm khiến người chăn nuôi phải vất vả tìm kiếm. Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết, để chủ động bảo vệ đàn gia súc trong mùa khô năm 2019, Chi cục đã chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố phối hợp với các phòng, ban ngành các địa phương và UBND các xã, thị trấn triển khai tuyên truyền, khuyến cáo các hộ chăn nuôi gia súc áp dụng các biện pháp duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc trong tình hình nắng nóng kéo dài. Cụ thể, người chăn nuôi không nên tăng quy mô đàn nếu không chủ động nguồn thức ăn và nước uống trong mùa khô hạn, bán bớt những con gia súc đến tuổi bán thịt, gia súc già loại thải. Các đàn có số lượng gia súc đông như dê, cừu cần tách ra thành những đàn nhỏ, theo từng lứa tuổi; đặc biệt gia súc đang nuôi con nhỏ và theo con mẹ cần có chế độ chăn sóc riêng để tiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và di chuyển.
Bổ sung thức ăn xanh từ nguồn cỏ trồng cho đàn cừu trong mùa khô hạn. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần tăng cường bổ sung thức ăn xanh từ nguồn cỏ trồng, thức ăn tinh cho gia súc như cám tổng hợp, bột bắp, rỉ mật đường, sữa cho gia súc non; tiêm thuốc bổ trợ sức các loại vitamin C, ADE, canxi, B12 để tăng sức đề kháng cho gia súc. Đồng thời, chủ động tiêm phòng cho gia súc cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên gia súc để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, các hộ lưu ý không chăn thả gia súc vào giờ nắng gắt để hạn chế gia súc bị mất nước, thở dốc, kiệt sức dễ dẫn đến mắc bệnh say nắng, cảm nóng. Tùy vào điều kiện sản xuất từng địa phương, bà con cần tăng cường tận dụng rơm, rạ, thân lá cây ngô, lá nho, lá táo để dự trữ, chế biến làm thức ăn cho gia súc, có kế hoạch tích trữ nguồn nước khi các hồ, ao cạn kiệt. Các hộ chủ động di chuyển đàn gia súc từ vùng khô hạn đến những nơi còn nguồn thức ăn, nước uống để chăn thả.
Nguyễn Thành